THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

15/09/2023

Sáng 15/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

SỬA ĐỔI LUẬT LƯU TRỮ: VỪA GÌN GIỮ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA TÀI LIỆU, TƯ LIỆU LƯU TRỮ, VỪA BẢO ĐẢM QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN

Cùng dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Về phía Hà Nội có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tp.Hà Nội Phạm Quý Tiên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Trình bày Tờ trình dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết để kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị với các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan; khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.

Trên cơ sở kế thừa Điều 1 Luật Thủ đô 2012, dự thảo Luật quy định cụ thể và bổ sung các nội dung về tổ chức chính quyền tại Thủ đô, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô và liên kết, phát triển vùng Thủ đô vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đó, Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò; tổ chức chính quyền; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư; xây dựng, quản lý, bảo vệ Thủ đô và liên kết vùng Thủ đô. Dự thảo Luật gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

Dự thảo luật quy định về chính quyền Thủ đô theo hướng mở rộng chủ thể, đối tượng phân cấp, ủy quyền; có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô; thực hiện mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 (không tổ chức HĐND phường) và bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Tăng cường tổ chức bộ máy của HĐND thành phố Hà Nội trên cơ sở kế thừa, bổ sung quy định của Nghị quyết số 160/2021/QH14, theo đó: Tăng số lượng đại biểu HĐND, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách. Tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, mở rộng thành phần của Thường trực HĐND. Quy định cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội với những đặc thù vượt trội so với cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND quận, huyện, thị xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương như tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, đại biểu HĐND chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

Dự thảo Luật phân quyền một số thẩm quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho UBND thành phố Hà Nội, đồng thời mở rộng chủ thể, đối tượng phân cấp, ủy quyền so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND quận, huyện, thị xã; quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trao đổi ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, dự thảo Luật quy định về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển văn hoá, thể thao; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế; an sinh xã hội; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển khu công nghệ cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn; bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất đai; phát triển nhà ở; phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô

Về Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô, dự thảo Luật có các quy định về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và thưởng cho Thủ đô; áp dụng một số loại phí, lệ phí chưa có trong Danh mục theo quy định của Luật Phí, lệ phí. Cho phép HĐND thành phố Hà Nội được quyền quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ các địa phương phát triển.

Để thu hút đầu tư xã hội, dự thảo Luật quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với pháp luật hiện hành. Thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc về việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Về liên kết, phát triển vùng Thủ đô, dự thảo Luật quy định một số nội dung nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sữa đổi) nhằm kịp thời thể chế các quan điểm, định hướng phát triển được đặt ra trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động được mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật, các đại biểu cho rằng các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, lĩnh vực, nhưng phải trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp năm 2013 và phải phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận phiên họp

Nhấn mạnh, bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền, các đại biểu cho rằng các quy định trong dự thảo Luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô. Trong đó, phạm vi, lĩnh vực phân quyền phải rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với năng lực thực hiện của chính quyền Thủ đô. Việc phân quyền cho Thủ đô cần tập trung chủ yếu vào chính quyền cấp Thành phố nhưng phải có cơ chế để tạo thuận lợi tối đa cho chính quyền cấp thành phố trong việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới. Song song với việc phân quyền cho chính quyền tại Thủ đô thì trong Luật cần thiết kế các quy định về điều kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện và cơ chế kiểm soát quyền lực.

Phát biểu kết luận phiên họp, ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các cơ quan nghiên cứu để tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm nguyên tắc, quan điểm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo phù hợp với trong khuôn khổ Hiến pháp, những vấn đề mới chưa được quy định hoặc có quy định khác với chủ trương đã được quy định cần phải có báo cáo ý kiến cấp có thẩm quyền. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý các chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đảm bảo thực hiện được trên thực tế. Kế thừa những cơ chế, chính sách đặc thù của Luật hiện hành qua thực tiễn kiểm nghiệm cho thấy phù hợp và phát huy hiệu quả. Đồng thời tiếp tục rà soát, nghiên cứu đưa vào Luật một số cơ chế, chính sách đặc thù hiện đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên cũng cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng bởi một khi các cơ chế, đưa vào luật phải đảm bảo tính ổn định, thực hiện lâu dài.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành thảo luận

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Lê Hồng Sơn làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Bảo Yến

Các bài viết khác