UỶ BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA CÁC ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

27/08/2019

Ngày 27/8, thực hiện chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 20, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; Đề án thành lập thị xã Sa Pa và một số đề án điều chỉnh địa giới hành chính khác; Đề án thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Lào Cai; Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa…

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập 4 phường Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ, Hoàng Quế thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ, việc thành lập các phường này trên cơ sở diện tích và dân số của các xã hiện hành. Sau khi thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, thị xã sẽ có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường và 11 xã. Với việc thành lập thêm các phường này, theo Tờ trình của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện, 2 thị xã và 4 thành phố; 186 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 107 xã, 71 phường và 8 thị trấn.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu

Trình bày báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về đề án nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Các xã này đều đạt các tiêu chuẩn để nâng lên thành phường về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội được Nghị quyết 121/2016 của UBTVQH về tiêu chuẩn đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, để các cơ quan có thời gian chuẩn bị, rà soát, hướng dẫn việc thay đổi tên gọi, con dấu; thực hiện tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi con dấu, giấy tờ có liên quan… Nghị quyết của UBTVQH nên có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ban hành.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (Đề án thành lập thị xã Kim Môn), Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đề xuất thành lập thị xã Kinh Môn với 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 9 xã. Trong đó, có xã Quang Thành được thành lập trên cơ sở nhập xã Quang Trung và xã Phúc Thành; thành lập phường Phạm Thái trên cơ sở sáp nhập xã Phạm Mệnh và xã Thái Sơn.

Theo báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về đề án này, huyện Kinh Môn và tất cả 25 đơn vị cấp xã trực thuộc không có trường hợp nào chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thuộc diện phải tiến hành sắp xếp ngay trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019 của UBTVQH. Huyện Kinh Môn và các xã đã đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập thị xã, phường theo quy định của pháp luật. Hồ sơ đề án, trình tự, thủ tục lập đềán đã đáp ứng đủ quy định của pháp luật.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với hai Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo nêu ý kiến của Thường trực Ủy ban. Đối với Đềán thành lập 4 phường thuộc thị xã Đông Triều, các thành viên Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các xã được đề nghị nâng lên thành phường đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Nghị quyết 121 của UBTVQH. Tuy nhiên, Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh cần báo cáo thêm về việc triển khai xây dựng xử lý nước thải, thu gom rác thải… để đáp ứng tiêu chuẩn khi tiếp tục mở rộng quy mô thị xã Đông Triều; định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho các xã được chuyển lên phường.

Đối với Đề án thành lập thị xã Kim Môn, nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật băn khoăn khi các xã được đề nghị nâng lên thành phường chỉ mới đáp ứng tiêu chí về dân số, thiếu rất nhiều so với tiêu chí về diện tích của xã nông thôn. Thậm chí, một số đơn vị vẫn có diện tích thấp hơn tiêu chuẩn tương ứng đối với phường. Do vậy, dù tại đề án có phương án sáp nhập 4 xã, phường, giúp giảm đơn vị hành chính trên địa bàn thị xã Đông Triều (khi được thành lập), nhưng nhiều ý kiến đề  nghị, cần nghiên cứu tiếp tục sáp nhập các phường, xã chưa đáp ứng tiêu chuẩn diện tích được Nghị quyết 121 của UBTVQH quy định.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng biểu quyết tán thành trình các Tờ trình của Chính phủ về hai đềán này ra UBTVQH xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Cùng ngày, Ủy ban Pháp luật đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo nêu ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật về Đề án thành lập thị xã Sa Pa, các phường thuộc thị xã trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

(Phương Thuỷ - Báo Đại biểu nhân dân)