Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Ủy ban Đối Ngoại, Ủy ban Văn Hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình Đề án
Tờ trình Đề án thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng cho biết, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh tại xã Phước Cát 1 đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết như quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị; sự gia tăng dân số cơ học; sự chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động, phòng chống tệ nạn xã hội…bộ máy chính quyền nông thôn đang bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý phát triển đô thị. Do đó, việc thành lập thị trấn Phước Cát là cần thiết, tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quả lý đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, phù hợp với quy luật phát triển, tạo điều kiện khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế sẵn có, thu hút đầu tư phát triển, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của nhân dân và chính quyền cơ sở.
Thị trấn Phước Cát được thành lập trên cơ sở toàn bộ 16,97 km2 diện tích tự nhiên và 7.204 người của thị xã Phước Cát 1. Sau khi thành lập thị trấn Phước Cát tỉnh Lâm Đồng không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và đơn vị hành chính trực thuộc. Địa giới hành chính thị trấn Phước Cát: Đông giáp xã Đức Thổ, huyện Cát Tiên; Tây giáp xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; Nam giáp xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; Bắc giáp xã Phước Cát 2, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên. Trụ sở làm việc của thị trấn Phước Cát dự kiến sẽ sử dụng trụ sở hiện có của xã Phước Cát 1.
Báo cáo ý kiến nghiên cứu về Đề án, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc thành lập thị trấn Phước Cát; khẳng định việc thành lập thị trấn Phước Cát đã đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật tổ chức chính quyền địa phương, Điều 9 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu ý kiến tại phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đặt ra vấn đề, khi được thành lập thị trấn Phước Cát sẽ là khu tập trung dân cư đông, mật độ dân số cao gồm nhiều thành phần lao động chủ yếu là phi nông nghiệp, đa ngành, đa lĩnh vực, là địa bàn hoạt động của các loại thị trường, là nơi hội tụ trao đổi thông tin nhưng cũng dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đây cũng là địa bàn có giáp ranh của 3 tỉnh, do đó vấn đề an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cần đặc biệt quan tâm. Các thành viên Ủy ban đề nghị Cơ quan trình Đề án phải làm rõ vấn đề này trong báo cáo đánh giá tác động và có biện pháp cụ thể để xử lý hiện trạng trên.
Quan tâm đến vấn đề môi trường sau khi thị trấn được thành lập, một số thành viên Ủy ban đưa ra nhận định, quá trình đô thị hóa và việc phát triển nông nghiệp thâm canh sẽ tác động đến tài nguyên đất, nước, làm suy giảm và ô nhiễm nguồn nước do các chất thải từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất và các hóa chất bảo vệ thực vật; quá trình xả thải của các phương tiện tham gia giao thông, máy móc phục vụ xây dựng cơ bản, dịch vụ vận chuyển nguyên vật liệu bị rơi vãi làm gia tăng các chất gây ô nhiễm không khí…Tuy báo cáo đánh giá tác động đã đưa ra được vấn đề này nhưng lại không chỉ ra được biện pháp cụ thể để khắc phục. Do đó, thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị tỉnh phải đưa ra được phương án chi tiết để bảo vệ môi trường sau khi thành lập thị trấn.
Đại biểu bày tỏ quan điểm về Tờ trình Đề án
Ngoài ra, về vấn đề tổ chức bộ máy và cán bộ công chức, một số thành viên Ủy ban đề nghị cần chỉ đạo kiện toàn lại bộ máy chính quyền mới của thị trấn trên cơ sở cán bộ, công chức của xã Phước Cát 1; điều động luân chuyển cán bộ một cách khoa học, đảm bảo cân đối trong tổng biên chế hành chính được giao hang năm, không tăng biên chế; tăng cường công tác hậu kiểm sau khi thị trấn được thành lập để đảm bảo bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân./.