CHÚ TRỌNG VÀ NÂNG CAO HƠN NỮA HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG

07/09/2023

Quốc hội có chức năng giám sát tình hình quản lý và sử dụng tài sản công. Qua giám sát của Quốc hội đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các nguyên tắc, bảo đảm công khai, tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý quản lý, sử dụng tài sản công. Khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động giám sát tối cao trong lĩnh vực này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đổi mới, tạo lập cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu lực giám sát.

HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TIẾP TỤC THỂ HIỆN TINH THẦN ĐỔI MỚI, VÌ LỢI ÍCH NHÂN DÂN

Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội

Quốc hội với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bên cạnh chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn thực hiện quyền giám sát tối cao. Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Tài sản công là nguồn lực nội sinh của đất nước, góp phần quan trọng vào quá trình sản xuất cũng như quản lý xã hội, cung cấp nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp;… Mục tiêu của giám sát Quốc hội về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước để bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quản lý và sử dụng tài sản công thỏa mãn được những nguyên tắc, thủ tục do Quốc hội  đề ra và đảm bảo lợi ích công, lợi ích của nhân dân.

Thời gian qua thông qua việc triển khai hoạt động giám sát đối với việc ban hành và thực thi pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc tuân thủ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công và chú trọng nâng cao hiệu quả ban hành, thực hiện các chính sách đầu tư, khai thác, bảo vệ tài sản, thực hiện hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính cũng như có chính sách khuyến khích cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước tham gia, nhất là trong hoạt động đầu tư để phát triển tài sản công, cung cấp dịch vụ về tài sản công,..

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại huyện Trà Bồng

Bên cạnh đó, qua hoạt động giám sát của Quốc hội đã có những đánh giá và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành, từng bước hoàn thiện khung pháp lý về việc quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát trong lĩnh vực này, TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần tập trung vào các hình thức giám sát là giám sát theo chuyên đề và giám sát thông qua chất vấn. Đồng thời, tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động giám sát và hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến quản lý, sử dụng tài công. Hoạt động giám sát cần xác định nhằm cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, do đó, các kiến nghị, đề xuất sau giám sát cần được nghiên cứu nâng lên thành các chính sách để Quốc hội tiến hành xem xét, có giải pháp cụ thể.

Ngoài ra, đẩy mạnh và chú trọng hoạt động giám sát đối với việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.

TS. Nguyễn Minh Sơn cũng lưu ý, chú trọng vấn đề hậu giám sát; tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát, các kiến nghị của Đoàn giám sát, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, chưa có kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát đồng nghĩa với việc hoạt động giám sát chưa kết thúc.

TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

Quan tâm tới nội dung này, PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đề xuất, cách thức làm báo cáo kết quả giám sát cần tập trung vào những vấn đề tồn tại và kiến nghị những vấn đề cấp bách, quan trọng, liên quan trực tiếp tới đối tượng chịu sự giám sát. Kiến nghị phải có căn cứ, sát thực tiễn và có tính khả thi. Đồng thời, quan tâm đúng mức tới các kênh thông tin về tình hình tài sản nhà nước hàng năm qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các báo cáo giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, qua ý kiến của cử tri, qua phát hiện vấn đề trong quá trình hoạt động của các đại biểu Quốc hội  ở địa phương, ngành…

Cũng theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, cần bảo đảm các điều kiện cho công tác giám sát liên quan đến kinh phí, phương tiện,..; tạo lập cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu lực giám sát.

PGS. TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam 

Cùng quan điểm, TS. Trần Văn Duy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất, xây dựng bộ tiêu chí giám sát tối cao đánh giá việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công trong Hệ thống tiêu chí đánh giá việc quản lý tài sản công và tổ chức thực hiện việc đánh giá định kỳ hàng năm. Các tiêu chí bao gồm tiêu chí định tính và tiêu chí định lượng, tiêu chí phản ánh kết quả khai thác và tiêu chí phản ánh quá trình khai thác.

Bên cạnh đó, TS. Trần Văn Duy cũng kiến nghị, hậu giám sát tăng cường xử lý nghiêm các vi vi phạm trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công. Đối với, hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải đảm bảo tính chuyên môn sâu, tập hợp được nhiều góc độ về hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công. Các phiên giải trình cần được tăng cường, tập trung vào những vấn đề nổi cộm thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực  hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra, các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, cần đa dạng hóa phương thức cũng như nâng cao chất lượng cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội trong quá trình giám sát, chất vấn đối với lĩnh vực này; tăng cường sự phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, đoàn thể tại địa phương trong giám sát; nghiên cứu sửa đổi Luật quản lý tài sản công, xây dựng cơ chế phù hợp nâng cao hiệu lực hiệu quả giám sát;…./.

Lê Anh

Các bài viết khác