QUYẾT LIỆT ĐƯA CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VÀO CUỘC SỐNG

06/09/2023

Quốc hội khóa XV đã đi được nửa nhiệm kỳ, hoàn thành một khối lượng kỷ lục các văn bản pháp luật từ trước đến nay.Trong bối cảnh như vậy, việc triển khai các Luật, Nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, nhất là Luật, Nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống. Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV cũng chính là một hình thức giám sát, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ để đưa luật vào cuộc sống nhanh chóng và hiệu quả hơn.

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHOÁ XV

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHOÁ XV

Việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội hạn chế cả ở công tác giám sát cũng như tổ chức thực hiện

Quốc hội Khóa XV đã ghi nhận một bước tiến dài trong hoạt động lập pháp. Đó là cách làm “chuẩn bị từ sớm, từ xa” cho việc thẩm tra luật và Quốc hội sẵn sàng họp bất thường để xử lý các vấn đề quan trọng của quốc gia. Với 1010 văn bản được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Năm, gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thành quả vô cùng to lớn. Những nỗ lực này cho thấy, Quốc hội đã luôn thể hiện tình thần“Quốc hội chủ động dẫn dắt công tác lập pháp”. Tuy nhiên, với hơn 90% tổng số dự án luật trình Quốc hội là của Chính phủ thì Quốc hội không thể "làm thay" các công đoạn chuẩn bị của Chính phủ và các cơ quan chủ trì soạn thảo.

Toàn cảnh Hội nghị

Một điểm nghẽn lớn đang nằm ở tốc độ ban hành các văn bản hướng dẫn còn rất chậm của các cơ quan Chính phủ. Vấn nạn "nợ đọng văn bản hướng dẫn", hay "luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư" đang phổ biến ở rất nhiều bộ ngành.  Nếu tính trung bình mỗi luật cần 6 văn bản như vậy thì với 23 luật từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến nay, tổng số văn bản hướng dẫn luật cần có là gần 140 văn bản, chưa kể rất nhiều văn bản hướng dẫn triển khai các nghị quyết. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất trong khâu triển khai luật hiện nay đang nằm ở vấn đề nợ đọng các văn bản hướng dẫn.

Ngay tại phiên chất vấn của UBTVQH đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa qua, các ĐBQH đã chỉ rõ, “tuổi thọ” của một số nghị định, thông tư rất ngắn, vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung; có tình trạng chậm hoặc ban hành văn bản sai. Tính đến ngày 30/7/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn nợ 17 văn bản, tăng 5 văn bản so với năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế cả ở công tác giám sát cũng như công tác tổ chức triển khai. Cụ thể công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện; việc giám sát văn bản quy định chi tiết trong một số trường hợp chưa đánh giá đầy đủ về tính hợp pháp, thống nhất, tính khả thi và hiệu lực của văn bản, chưa bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Một số luật có số lượng nội dung giao quy định chi tiết nhiều, chưa bảo đảm tính cụ thể; còn một số nội dung thuộc trách nhiệm ban hành văn bản quy định chi tiết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa được các cơ quan chuẩn bị, trình theo đúng kế hoạch.

Trong công tác tổ chức triển khai của Chính phủ đối với một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số Bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức. Tính đến ngày 23.8.2023, đối với các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm. 

Chính phủ vẫn đang “nợ” 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời, đối với 2 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024 (Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh), phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay chưa có văn bản nào được ban hành. Chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển; vẫn còn tình trạng sử dụng hình thức văn bản hành chính để quy định nội dung có tính quy phạm pháp luật...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ nguyên nhân, dù có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nguyên nhân quan trọng là do ngừoi đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong một số trường hợp chưa nghiêm, chưa kịp thời xác định, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...; kinh phí bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết còn khó khăn; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật, công tác pháp chế ở một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV lần đầu tiên tổ chức có vai trò rất quan trọng để Quốc hội kịp thời nắm bắt được các vấn đề chính sách, pháp lý có độ phức tạp cao, nằm trong “lõi thể chế” của cải cách - để kịp thời đưa ra các giải pháp căn cơ để đạt được sự “đồng tốc” giữa ban hành và thực thi luật, nghị quyết. 

Một trong những giải pháp căn cơ đó là các Ủy ban và đại biểu chuyên trách cần chủ động trước ở khâu “làm chính sách”, tiên lượng trước những vấn đề chính sách lớn và định hướng cho Chính phủ, các bộ, ngành thông qua đề xuất luật để xử lý. Bởi với cách làm hiện nay, khi các bộ, ngành - với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm soạn thảo chính, nếu không làm tốt nhiệm vụ thì khâu thẩm tra và thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, tại các Ủy ban vẫn khó đạt được hiệu quả và chất lượng như mong đợi. Kéo theo đó, luật sẽ khó đi vào cuộc sống.

Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV cũng cho thấy quyết tâm của Quốc hội nhằm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp. 

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho việc thi hành luật, nghị quyết; Tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả đưa quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, khối lượng công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đều rất lớn và còn có thể phát sinh nhiều vấn đề mới cần phải xử lý. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong bối cảnh như vậy, việc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, nhất là luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ Năm đòi hỏi nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Sau hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp tục siết chặt kỷ luật, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội qua giám sát để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cả ở Trung ương và địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho công tác thi hành pháp luật; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Kịp thời hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đang có vướng mắc, bất cập, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết, đặc biệt là trong việc triển khai các nhiệm vụ, các quy định mới được xác định tại các luật, nghị quyết rất quan trọng như: Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh… Tăng cường, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, nội dung, địa bàn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ ba, có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương ban hành.

Tập trung nỗ lực hoàn thành việc ban hành, bảo đảm chất lượng 83 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết quy phạm pháp luật của Quốc hội Khóa XV, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. Chậm nhất trong tháng 9.2023 phải hoàn thành xây dựng, ban hành 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với 8 luật có hiệu lực thi hành trong năm 2024, khối lượng văn bản quy định chi tiết dự kiến ban hành rất lớn, theo thống kê là 68 văn bản, đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư nguồn lực để xây dựng, ban hành đầy đủ, chất lượng các văn bản, bảo đảm có cùng hiệu lực với thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, nhất là các luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 như Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh...

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, kịp thời phát hiện các quy định qua thi hành có phát sinh vướng mắc, cản trở, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023). Đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật.

Thứ sáu, tập trung hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024 theo Nghị quyết số 89 của Quốc hội gắn với việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lập pháp còn lại của cả nhiệm kỳ, các giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật theo Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặc biệt, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 rất lớn, nhiều dự án có nội dung phức tạp. Do đó, các cơ quan cần tuân thủ nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lập đề nghị và xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; không đề nghị bổ sung dự án, dự thảo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Tập trung thời gian, nguồn lực soạn thảo, bảo đảm chất lượng và sự thống nhất giữa các Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quán triệt nghiêm yêu cầu tại Nghị quyết số 27 của Đảng “những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời”.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương rà soát, kiến nghị bổ sung nhiệm vụ lập pháp để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam như các thể chế cho chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng, thuế tối thiểu toàn cầu...; chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ bảy, tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội; chú trọng giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; chủ động theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, nghị quyết giám sát, chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị giám sát của các cơ quan của Quốc hội về việc thực hiện các luật, nghị quyết trong các lĩnh vực cụ thể.

Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng, thực hiện kế hoạch ban hành văn bản quy định chi tiết để bảo đảm các văn bản này được ban hành đầy đủ, kịp thời và có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, nghị quyết; kiểm soát việc thực hiện nghiêm yêu cầu “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”.

Điều quan trọng là các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri để tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, đề xuất giải pháp thiết thực trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi các luật, nghị quyết của Quốc hội. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục tăng cường và thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế để phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Nhân dân đối với công tác xây dựng, ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật.

HĐND và UBND các cấp, đặc biệt là tại các địa phương thực hiện thí điểm theo các nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy định pháp luật ở địa phương; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ và đồng hành của các tầng lớp Nhân dân ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở trung ương; đề ra lộ trình, giải pháp triển khai phù hợp, ban hành kịp thời các đề án, quy định, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của chính quyền địa phương trong triển khai nghị quyết của Quốc hội; đồng thời phát hiện sớm những bất cập trong quá trình thực hiện ngay từ cấp cơ sở để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông những nút thắt thể chế để thúc đẩy phát triển, phát huy ý nghĩa, tác dụng thiết thực của các chính sách do Quốc hội ban hành.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội

Sự thành công của Hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội còn thể hiện ở việc nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của các đại biểu tham dự và cho rằng nên trở thành hoạt động thường niên. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, đây là dịp để các cơ quan cùng nhìn nhận, rà soát, xem xét những mặt được, chưa được trong triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành, rút ra bài học kinh nghiệm và các giải pháp khắc phục. Qua đây, cũng thấy rõ Bộ ngành nào làm tốt, Bộ ngành nào chưa làm tốt, chưa bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng trong việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, hướng tới sự đồng bộ của hệ thống pháp luật

Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Hội nghị là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, bởi với khối lượng văn bản đồ sộ, nhưng nếu không khắc phục những tồn tại hạn chế thì ảnh hưởng nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Do vậy, Hội nghị cũng là dịp các cơ quan, đơn vị cùng nhau xem lại các vấn đề, đồng tâm, hiệp lực trong thực hiện để kịp thời đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

Việc lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Hội nghị về công tác triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV cho thấy sự đồng hành rất trách nhiệm, chủ động, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của Quốc hội. Vì vậy, cùng với năng lực và quyết tâm tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm túc, sáng tạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”, góp phần tạo chuyển biến rõ nét, đạt nhiều kết quả tốt đẹp hơn thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển, sự kỳ vọng và tin tưởng của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân. Thêm vào đó, đây cũng là thước đo để các đại biểu Quốc hội đánh giá năng lưc của người đứng đầu các cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở đánh giá tín nhiệm đối với các bộ trưởng, người đứng đầu ban, ngành chậm trễ, để xảy ra nợ đọng văn bản hướng dẫn. Chỉ khi Quốc hội áp đặt được trách nhiệm chính trị lên người đứng đầu thì cả bộ máy mới có động lực và sức ép tạo ra chuyển động tích cực.

 

 

 

Hải Yến

Các bài viết khác