THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO, ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC SAU PHIÊN CHẤT VẤN

23/08/2023

Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại phiên họp 25 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực đã được Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện. Có thể nói Chính phủ đã bắt tay ngay vào thực hiện kiến nghị của Quốc hội với vấn đề rất cấp bách hiện nay.

BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT LÊ MINH HOAN: ĐƯA LÚA GẠO TRỞ THÀNH NGÀNH HÀNG CHẤT LƯỢNG CAO, BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Hai bộ thống nhất các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 2,67 triệu tấn gạo, nâng cao giá trị và chất lượng gạo Việt Nam

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phiên họp thường vụ 25, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao; ngăn ngừa rủi ro “bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước”. Cần lấy yếu tố bảm bảo chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”. Phối hợp với bộ, ngành, địa phương quản lý, điều phối công tác thu mua, chế biến, bảo quản lúa gạo, đảm bảo ổn định thị trường trong nước, hài hòa lợi ích người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo. Thực hiện kiến nghị này, ngay sau phiên chất vấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã thống nhất nhiều giải pháp để đảm bảo ổn định thị trường xuất khẩu gạo, và nâng cao giá trị, chất lượng gạo Việt Nam.

Bộ Công Thương đưa ra tính toán, 5 tháng còn lại của năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 2,67 triệu tấn gạo. Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam....

Theo Bộ Công Thương, tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang rất phức tạp, do nhiều nước đã có lệnh cấm xuất khẩu gạo, như Ấn Độ, UAE, Nga. Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực. Điều này đã tác động mạnh đến nguồn cung sản lượng gạo toàn cầu, làm quan ngại về các vấn đề an ninh lương thực thế giới cũng như ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia khi tình trạng lạm phát chưa được cải thiện.

Trên thực tế, thời gian qua, trước bối cảnh diễn biến khó lường của thị trường thương mại gạo toàn cầu, đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai điều hành xuất khẩu gạo. Trên cơ sở đó, cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm. 

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, giá gạo xuất khẩu tăng đã đem lại niềm vui cho người dân, doanh nghiệp. Song điều đáng chú ý hiện nay là thị trường tiêu dùng nội địa vẫn được duy trì ổn định, đây là tín hiệu tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng lưu ý, trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý. Trong khi đó, mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong "rổ" tính giá CPI. Vì vậy, làm sao phải kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ.  Bộ Công Thương đã kịp thời liên tục đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm sao vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là đúng đắn, bởi nếu cứ chạy theo giá gạo tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Điều quan trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam là bám sát thị trường, có trách nhiệm; đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Còn theo, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, câu chuyện về gạo không chỉ là vấn đề được mùa được giá của người nông dân, hiện xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong bảo đảm hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia. Tiến sỹ Võ Trí Thành đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương hài hòa lợi ích các bên, một mặt trước hết bảo đảm an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, bảo đảm thương hiệu gạo Việt. Đây là hướng đi đúng, hợp lý.

Để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương để theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước... Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Các Bộ thống nhất chủ đồng đàm phán đa dạng hoá thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam

Để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng thống nhất chủ động đàm phán với các đối tác nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại gạo với các thị trường truyền thống (như Philippines, Indonesia, khu vực châu Phi, Trung Quốc) và khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua (như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…).

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, rà soát tình hình sản xuất, thông tin về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích canh tác; cân đối nhu cầu tiêu dùng thóc, gạo trong nước để xác định rõ nguồn thóc, gạo hàng hóa có thể xuất khẩu, tạo thế chủ động cho các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan kịp thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho người trồng lúa và thương nhân sản xuất, xuất khẩu gạo để họ chuyên tâm vào sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo Việt Nam. Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, bên cạnh nhiệm vụ giám sát việc duy trì mức dự trữ và thu mua lương thực để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn và kịp thời thông tin về nước, Bộ Công Thương còn yêu cầu hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; đồng thời, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và đạt quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Theo Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hiện Bộ này đang thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa Đồng bằng sông Cửu Long chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa lúa gạo vào diện ngành hàng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metan. Theo đó, người trồng lúa có thể lấy rơm, rạ làm nấm, hoặc làm rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, và “thật sự bà con đã làm được rồi nhưng tất nhiên còn nhỏ, lẻ”. Vấn đề bây giờ là phải trở thành một nền kinh tế nông thôn, khi đó người trồng lúa sẽ còn nhiều hoạt động trên mảnh đất của mình thì việc cải thiện thu nhập sẽ dễ hơn.

Hải Yến

Các bài viết khác