BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP LÊ THÀNH LONG: SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN HƯỚNG ĐẾN NÂNG CAO TÍNH CHUYÊN NGHIỆP CỦA ĐẤU GIÁ VIÊN VÀ TỔ CHỨC ĐẤU GIÁ

15/08/2023

Sáng 15/8, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thời gian tới sẽ tập trung sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên, quy định chặt chẽ hơn trong quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá, đẩy mạnh đấu giá trực tuyến.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 15/8: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC BỘ TƯ PHÁP

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp

Hiện nay, trong cả nước có hơn 1.200 đấu giá viên, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 57 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó 36/57 Trung tâm đã tự chủ 100% kinh phí; 21/57 Trung tâm được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và đã có lộ trình tự chủ 100%).  Các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện nhiều cuộc đấu giá thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trong bối cảnh đất nước tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đấu giá tài sản đã phát sinh một số hạn chế, bất cập. Một số quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan không còn phù hợp, bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp; vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản...

Đại biểu Trần Văn Tiến đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh thực tiễn đấu giá tài sản cho thấy phương pháp xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường. Đấu giá còn xảy ra tình trạng ép giá hoặc thổi giá; năng lực của đối giá viên và tổ chức đấu giá còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo chương trình cũng tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi). Theo đó, trong lần sửa đổi này xác định rõ phạm vi điều chỉnh. Thực tế ở nước ta phần lớn đấu giá tài sản công trong hoạt động đấu giá là đấu giá quyền sửa dụng đất. Tuy nhiên việc xác định giá khởi điểm không phải là công việc của Luật Đấu giá tài sản. Luật Đấu giá tài sản là luật về hình thức. Việc xác định giá khởi điểm như trong đấu giá quyền sử dụng đất phải xử lý trong pháp luật về đất đai.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết vấn đề liên quan đến nội dung này, để có hướng xử lý ở trong Luật Đất đai cũng đang được sửa đổi.

Về tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng có tình trạng này nhưng không nhiều. Do đó, trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản lần này có căn chỉnh để làm tốt hơn và siết chặt hơn các các điều kiện tham gia đấu giá.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đặt câu hỏi chất vấn

Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, trong phần trả lời câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang về những định hướng, nội dung sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để phòng ngừa vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ một số nội dung chính, nhấn mạnh Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức. Dự thảo Luật lần này sẽ liệt kê đầy đủ hơn các tài sản công cần phải bán đấu giá; siết chặt một số các quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá,  trục lợi và  làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Quy định rõ các biện pháp về tăng cường năng lực và chuyên nghiệp hóa hơn nữa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù và phát triển đấu giá trực tuyến.

Quan tâm đến vấn đề bảo đảm công khai minh bạch trong đấu giá, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, đấu giá trực tuyến là hình thức hiệu quả để đảm bảo sự công khai, minh bạch, chống thông đồng, dìm giá, tiết kiệm nguồn lực, chi phí trong hoạt động đấu giá. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Tư pháp đã làm gì để thực hiện đấu giá trực tuyến trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đấu giá trực tuyến là một hình thức tốt nhằm hạn chế phần nào được tình trạng thông đồng, dìm giá hoặc không công khai minh bạch trong đấu giá. Thời gian qua, một số các tổ chức đấu giá tài sản tư đã có trang web và cách thức đấu giá trực tuyến. Đấu giá trực tuyến tài sản công hiện nay mới bắt đầu bàn thảo. Vừa qua khi đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản cũng đã đưa ra quy định về hình thức đấu giá trực tuyến để chi tiết hóa và xây dựng một trang hoặc một cổng đấu giá trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ, khó khăn trong triển khai đấu giá trực tuyến tài sản công là về kinh phí, vấn đề quản lý đặt trong cơ chế tự chịu trách nhiệm và cơ chế quản lý thị trường. Bộ Tư pháp đang tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm tốt trên thế giới, xem xét một số mô hình vận hành của một số nước. 

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng để đảm bảo yêu cầu về hiệu quả trong công tác đấu giá tài sản là phải nâng cao tính chuyên nghiệp của đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá, coi đây là một nghề đặc thù với các chuẩn mực cao.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chất vấn

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết thời gian qua, đánh giá cao nỗ lực cố gắng của đội ngũ đấu giá viên. Về đấu giá tài sản công trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, ghi nhận tổng số cuộc đấu giá thành là 151.000/201.000, tổng số giá bán được của đấu giá tài sản là 526.000 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là 110.000 tỷ đồng. Kết quả trên cho thấy sự đóng góp đáng kể, có thể lượng hóa được của bán đấu giá tài sản công, tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó còn một số tồn tại, hạn chế như về năng lực của đấu giá viên…là những vấn đề sẽ được giải quyết khi sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản trong thời gian tới. Theo đó, dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) bổ sung một số điều nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của đấu giá viên cũng như của người đứng đầu tổ chức đấu giá, đề ra các các tiêu chuẩn bắt buộc hơn, chặt chẽ hơn trong quy trình, thủ tục thực hiện đấu giá./.

Bảo Yến

Các bài viết khác