MỘT SỐ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

15/03/2023

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã thành lập Đoàn Giám sát và tiến hành giám sát tại tỉnh Kon Tum.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI CÔNG TY ĐIỆN LỰC KON TUM

Đoàn khảo sát làm việc tại Công ty thủy điện Yaly

Đoàn Giám sát đã khảo sát trực tiếp Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Kon Tum, Dự án Nhà máy Thuỷ điện Thượng Kon Tum, Dự án Nhà máy Thuỷ điện Thượng Đăk Psi, Dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật -Đăk Glei, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Yaly Kon Tum; làm việc trực tiếp với các các Sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Công ty Điện lực Kon Tum và Công ty thủy điện Yaly; Giám sát qua báo cáo của các cơ quan có liên quan.

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhận thấy công tác triển khai cụ thể hóa, ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của trung ương về phát triển năng lượng đã được cơ quan có thẩm quyền ở địa phương triển khai khá kịp thời. Qua đó tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, hiệu quả cho việc phát triển năng lượng; sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn năng lượng; đảm bảo an ninh năng lượng để góp phần phần phục vụ phát triển KTXH. Việc phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo bên cạnh nguồn thủy năng mà tỉnh Kon Tum có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn điện gió, điện mặt trời....

Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhưng chưa khai thác được nhiều vì các khó khăn như ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên, đất an ninh quốc phòng, địa hình khó khăn, phụ tải các khu công nghiệp còn thấp, xa lưới điện truyền tải 220kV, 110kV và không có Trạm biến áp nên rất khó khăn trong việc đấu nối, vận chuyển thiết bị;...

Trên cơ sở kết quả giám sát và nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Kon Tum, các ngành, đơn vị có liên quan, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung Điều 88 Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp đối với nội dung quy định về chính sách hỗ trợ việc đầu tư hệ thống lưới điện cho khu vực đồng bào DTTS, cộng đồng dân cư gắn với chương trình phát triển KTXH, xây dựng NTM đảm bảo tiêu chí về điện nông thôn.

Tiếp tục xem xét ban hành bổ sung các chính sách, pháp luật, giải pháp bảo đảm sinh kế và ổn định cuộc sống người dân vùng tái định cư dự án thủy điện góp phần phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương sớm có hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, bảo trì nạo vét lòng hồ thủy điện...

Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh theo tiến độ các Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum, Quy hoạch đấu nối các dự án nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã được duyệt; Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện VIII) để Tổng Công ty truyền tải có cơ sở sớm triển khai nâng công suất Trạm biến áp 220/110kV Kon Tum từ 2x125MVA lên 2x250MVA trong giai đoạn 2020- 2025 nhằm giải quyết tình trạng quá tải hiện nay của Trạm biến áp 220kV Kon Tum, tạo thuận lợi huy động hết nguồn công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh; Tạo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng đường dây 220kV Kon Tum - Pleiku, đường dây 220kV Kon Tum - Bờ Y và Trạm biến áp 220kV Bờ Y nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương....

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét có văn bản hướng dẫn, bổ sung thực hiện Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP và Nghị định 83/2022/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ theo hướng tạo thuận lợi cho việc hỗ trợ kịp thời việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất rừng tại địa phương để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nói chung và các dự án năng lượng nói riêng.

Đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn, nghiên cứu xây dựng các giải pháp đặc thù trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác phù hợp với quy định pháp luật và hiện trạng thực tế nhằm tạo thuận lợi cho việc hỗ trợ kịp thời việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất rừng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện tại địa phương.

Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp với Công ty Điện lực Kon Tum có giải pháp bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công các công trình lưới điện hạ thế tại các tuyến đường đang sử dụng theo hiện trạng nhưng hiện nay chưa được đầu tư mới theo quy hoạch để đảm bảo kịp thời nhu cầu sử dụng điện cho người dân, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp khi công trình điện phải di dời để nhà nước đầu xây dựng đường giao thông này theo quy hoạch...

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum)