ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI MỘT SỐ CƠ SỞ GIÁO DỤC CỦA HƯNG YÊN

15/03/2023

Mặc dù thuộc các loại hình khác nhau, song đại diện các cơ sở giáo dục tại Hưng Yên mà Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến làm việc ngày 14/3 đều cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ trong tổ chức hoạt động dạy và học. Có khó khăn, bỡ ngỡ nhưng học sinh và thầy cô đều hứng thú.

GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: THIẾU GIÁO VIÊN CƠ HỮU, BỊ ĐỘNG TRONG PHÂN CÔNG CHUYÊN MÔN

Tiếp tục chương trình công tác tại Hưng Yên, ngày 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã làm việc với một số cơ sở giáo dục: Trường THPT Chuyên Hưng Yên, Trường THPT Quang Trung, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Hưng Yên và Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng và Đinh Công Sỹ chủ trì các cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại cuộc làm việc với Trường THPT chuyên Hưng Yên

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT với khối lớp 10. Mặc dù có khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, cơ sở vật chất mới chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu, giáo viên vẫn còn thiếu, thậm chí chưa có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, song các nhà trường đang triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đầy hào hứng. Kết thúc học kỳ I, học sinh đều hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học tập bảo đảm chuẩn đầu ra.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hưng Yên Nguyễn Văn Duy, nhìn chung chương trình các môn học phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo. Đủ phòng học, phòng học bộ môn, phòng chức năng... Về việc bố trí giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình mới, nội dung giáo dục địa phương, nhà trường phân công giáo viên theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan (Văn, Sử, Địa, Kinh tế và Pháp luật).

Việc lựa chọn môn học lựa chọn được nhà trường triển khai vào cuối năm học 2021 - 2022 trước khi công bố kế hoạch tuyển sinh của nhà trường để học sinh, phụ huynh nắm được và đăng ký tuyển sinh theo các lớp chuyên, không gặp khó khăn gì.

Đoàn giám sát làm việc với Trường THPT Quang Trung, thành phố Hưng Yên

Còn tại Trường THPT Quang Trung, thành phố Hưng Yên, là trường tư thục nên nhà trường được quyền chủ động trong việc bảo đảm đủ giáo viên cho các môn học theo đúng kế hoạch giáo dục của mình, phù hợp với điều kiện hiện có. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng cơ bản đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau hơn 1 học kỳ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Phó Hiệu trường Trường THPT Quang Trung Phạm Ngọc Quá khẳng định, cán bộ, giáo viên cơ bản đã biết vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Việc sử dụng sách giáo khoa và các nguồn học liệu, thiết bị dạy học phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, đối với đối tượng học sinh chất lượng đầu vào không cao như ở Trường THPT Quang Trung, chương trình mới được hào hứng đón nhận vì các em không phải học kiến thức hàn lâm, có nhiều hoạt động trải nghiệm, nên đỡ áp lực hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu tại cuộc làm việc với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Hưng Yên

Năm học đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 10, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Hưng Yên đã chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Kết quả học tập học kỳ qua, trên 98% học viên lớp 10 đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập bảo đảm chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình...

Các cơ sở giáo dục đều kiến nghị tỉnh Hưng Yên tiếp tục quan tâm tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bổ sung biên chế giáo viên cho bộ môn còn thiếu để đáp ứng chương trình, sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các lớp tiếp theo.

Đoàn giám sát trò chuyện với cô và trò Trường chuyên THPT Hưng Yên

Đoàn giám sát ghi nhận sự chủ động, tích cực của các cơ sở giáo dục trong chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; sự trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ giáo viên vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đổi mới phương pháp giảng dạy, để thực hiện các mục tiêu chương trình mới đặt ra.

Đoàn giám sát mong muốn các nhà trường tiếp tục quán triệt nhận thức đầy đủ về quan điểm, chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, của môn học có tính đến yếu tố đặc thù, đặc biệt là đối tượng học sinh. Rà soát, khắc phục khó khăn để bố trí giáo viên bảo đảm các môn học bắt buộc; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, quản trị nhà trường...

“Xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, thân thiện, hài hòa phát triển toàn diện học sinh” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng lưu ý.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)