PHIÊN HỌP THỨ HAI ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016 – 2021: XÁC ĐỊNH RÕ NỘI DUNG VÀ KẾ HOẠCH GIÁM SÁT TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG, ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ TRÁNH CHỒNG CHÉO, LÃNG PHÍ

14/03/2023

Sáng 14/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề ''Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021'' của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ hai. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì Phiên họp.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2021

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: NHẬN DIỆN RÕ VẤN ĐỀ, ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP KHẢ THI - TẠO CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ ĐỐI VỚI LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG

Toàn cảnh Phiên họp thứ hai

Dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi - Tổ trưởng Tổ giúp việc; các thành viên Đoàn giám sát là đại biểu Quốc hội, chuyên gia, thành viên Tổ biên tập, Tổ giúp việc.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao sự chủ động cũng như công tác chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổ giúp việc trong việc chủ trì tham mưu triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.

Nhấn mạnh năng lượng được đánh giá vừa là ngành sản xuất vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội và là động lực cho quá trình phát triển của đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã những bước phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Quy mô của các ngành điện, than, dầu khí đều được mở rộng, khả năng tự chủ của các ngành từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng đã gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu khai mạc Phiên họp

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022; từ sau Phiên họp thứ nhất đến nay, Đoàn giám sát đã triển khai các công việc phục vụ chuyên đề giám sát. Để các hoạt động thời gian tới được diễn ra thuận lợi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia đóng góp ý kiến về một số nội dung trọng tâm: Về kế hoạch, tiến độ triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát; Về nội dung và kế hoạch giám sát tại các địa phương, bộ ngành, các cơ quan trung ương; Về Đề cương kịch bản phim tư liệu về Đoàn giám sát;…

Báo cáo tại Phiên họp về tiến độ triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường Tạ Đình Thi – Tổ trưởng Tổ giúp việc cho biết, các công việc đã được triển khai một cách khoa học, bài bản, chú trọng chất lượng và hiệu quả hoạt động; cơ bản đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Kế hoạch 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022. Cụ thể:

Đoàn giám sát đã: Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết, công văn kèm theo đề cương báo cáo gửi 63 Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh/thành trực thuộc Trung ương, Chính phủ, một số Bộ, ngành, tập đoàn kinh tế liên quan; Ban hành công văn, liên hệ với các đầu mối và đôn đốc các cơ quan liên quan gửi báo cáo theo đề cương, chủ động nhắc các cơ quan, địa phương gửi báo cáo chậm tiến độ (Đến ngày 10/3/2023, Tổ giúp việc đã nhận được báo cáo của 07/10 Bộ, ngành, 53/63 địa phương, 02/03 tập đoàn kinh tế); Xây dựng báo cáo tham khảo phục vụ Đoàn giám sát về một số vấn đề phát triển năng lượng Việt Nam;...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường Tạ Đình Thi – Tổ trưởng Tổ giúp việc

Bên cạnh đó, Đoàn Giám sát cũng đã chủ động làm việc, lấy ý kiến các chuyên gia trong quá trình hoàn thiện các đề cương báo cáo, dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, nội dung làm việc với các cơ quan, địa phương; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổ chức hợp tác phát triển Đức tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan, tổ chức có liên quan phục vụ chuyên đề giám sát.  

Đoàn Giám sát đã tổ chức làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để làm rõ một số nội dung chuyên đề giám sát, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan và kế thừa các nội dung đã và đang triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn giám sát; kiện toàn Tổ giúp việc;...

Ngoài ra, Thường trực Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổ giúp việc đã chủ động làm việc trực tiếp với Truyền hình Quốc hội để trao đổi, thống nhất về đề cương phim phóng sự Đoàn giám sát.

Liên quan đến dự kiến kế hoạch triển khai trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường Tạ Đình Thi nêu rõ, Đoàn giám sát sẽ tập trung triển khai một số công việc trọng tâm như: Tổ chức các đoàn công tác tại địa phương, bộ ngành; Xây dựng báo cáo kết quả của Đoàn giám sát, báo cáo tổng hợp các bộ, ngành, địa phương; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức các phiên họp của Đoàn giám sát;...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát

Điều hành nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết, về cơ bản các cơ quan/đơn vị đã thực hiện nghiêm túc thời gian gửi báo cáo tới Đoàn giám sát. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này vẫn còn một số cơ quan/đơn vị chưa gửi báo cáo như: Bộ Công thương (mới gửi File Dự thảo), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (có công văn xin lùi thời hạn báo cáo). Nhấn mạnh, Tổ giúp việc đã chuẩn bị chi tiết dự kiến kế hoạch của Đoàn giám sát trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát gợi mở một số nội dung trọng tâm thảo luận đồng thời đề nghị, các thành viên Đoàn giám sát cho ý kiến cụ thể về: Thời gian, nội dung làm việc của Đoàn công tác; Đề cương phim phóng sự của Đoàn giám sát; Việc thành lập Tổ công tác;...

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đều đánh giá cao nỗ lực của Tổ giúp việc trong công tác tham mưu, chuẩn bị tài liệu và tán thành với nhiều nội dung cơ bản được nêu tại dự kiến kế hoạch chi tiết triển khai số 1232/KH-UBKHCNMT15. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện nội dung và kế hoạch giám sát tại các địa phương, bộ ngành, các cơ quan trung ương; các ý kiến đề nghị: cân nhắc thời gian làm việc với các bộ, ngành phải thiết kế hợp lý, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong quá trình triển khai; kịp thời yêu cầu báo cáo bổ sung đối với những cơ quan/đơn vị gửi báo cáo không đáp ứng yêu cầu;...

Đối với đề cương phim phóng sự Đoàn Giám sát, các ý kiến nhấn mạnh, tránh việc chuyển thể từ báo cáo tổng hợp của Đoàn giám sát sang thành phóng sự, cần tạo hiệu ứng hình ảnh mạnh mẽ, mang tính minh họa rõ nét. Đồng thời, phim phóng sự phải bám sát 07 nội dung giám sát chuyên đề, có sự phân bổ thời lượng hợp lý, nhận diện rõ rào cản/hạn chế đối với lĩnh vực phát triển năng lượng, có dự báo xu hướng/mô hình phát triển năng lượng;...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long - thành viên Đoàn giám sát 

Cho rằng đây là chuyên đề giám sát khó, mang tính chuyên ngành cao, các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý, việc huy động chuyên gia, các nhà khoa học trong suốt quá trình triển khai giám sát là rất cần thiết; Tổ công tác cần phát huy tối đa vai trò, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung liên quan để Đoàn công tác làm việc hiệu quả, thực chất với các địa phương, Bộ, ngành, tránh hình thức, lãng phí và làm ảnh hưởng đến các hoạt động của địa phương, cơ quan, tổ chức...

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một buổi làm việc khẩn trương, sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở, Phiên họp lần thứ hai của Đoàn giám sát đã hoàn thành chương trình đề ra.

Khẳng định thời gian vừa qua, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến thực chất sau giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 -2021” cần kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm thành công quý báu của các Đoàn giám sát trước đó. Theo đó, trong phương thức làm việc của Đoàn cần tiếp tục cải tiến để giám sát nâng cao chất lượng, phạm vi giám sát không dàn trải, cần tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như vai trò của người đứng đầu;... Bên cạnh đó, cần quán triệt trong các buổi làm việc giữa Đoàn giám sát và các bộ, ngành có liên quan cần đúng nội dung, đúng thành phần tham dự; công tác truyền thông cần theo sát và gắn liền với cả quá trình giám sát;...

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận Phiên họp

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổ giúp việc khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, kế hoạch, đề cương cũng như phục vụ các hoạt động giám sát một cách hiệu quả. Trong đó, liên quan đến Tổ công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Tổ công tác cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung liên quan để Đoàn công tác làm việc hiệu quả, thực chất với các địa phương, Bộ, ngành, tránh hình thức, lãng phí và làm ảnh hưởng đến các hoạt động của địa phương, cơ quan, tổ chức. 

Nhấn mạnh từ nay cho tới khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát (tháng 9/2023), còn rất nhiều nội dung công việc quan trọng cần triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Đoàn giám sát dành thời gian, tâm huyết cho các hoạt động của Đoàn giám sát, chủ động nghiên cứu thông tin, tài liệu, báo cáo và phát hiện, đề xuất những vấn đề cụ thể, trước hết là những nội dung theo phân công, sử dụng và phát huy tối đa bộ máy giúp việc của cơ quan, đơn vị mình nhằm góp phần đạt được mục đích, yêu cầu đề ra của Đoàn giám sát./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp thứ hai Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoàn 2016-2021”:

Toàn cảnh Phiên họp thứ hai Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì Phiên họp

Các thành viên Đoàn giám sát tham dự Phiên họp thứ 2

Đoàn giám sát tổ chức phiên họp thứ hai để nghe báo cáo về triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát; cho ý kiến về: đề cương kịch bản phim tư liệu về Đoàn giám sát; nội dung và kế hoạch giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và một số vấn đề liên quan.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát điều hành nội dung Phiên họp

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường Tạ Đình Thi – Tổ trưởng Tổ giúp việc cho biết, các công việc đã được triển khai một cách khoa học, bài bản, chú trọng chất lượng và hiệu quả hoạt động; cơ bản đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Kế hoạch 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long góp ý vào Kế hoạch triển khai thời gian tới của Đoàn giám sát

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân góp ý vào Đề cương phim phóng sự của Đoàn giám sát

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ góp ý vào Dự kiến kế hoạch, Đề cương phim phóng sự, việc thành lập Tổ công tác

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan đến thời gian, nội dung làm việc của các Đoàn công tác

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho ý kiến về phạm vi giám sát, đề cương phim phóng sự, thành lập Tổ công tác

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đều đánh giá cao nỗ lực của Tổ giúp việc trong công tác tham mưu, chuẩn bị tài liệu và tán thành với nhiều nội dung cơ bản được nêu tại dự kiến kế hoạch chi tiết triển khai số 1232/KH-UBKHCNMT15. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện nội dung và kế hoạch giám sát tại các địa phương, bộ ngành, các cơ quan trung ương; các ý kiến đề nghị: cân nhắc thời gian làm việc với các bộ, ngành phải thiết kế hợp lý; kịp thời yêu cầu báo cáo bổ sung đối với những cơ quan/đơn vị gửi báo cáo không đáp ứng yêu cầu;...

Nhấn mạnh từ nay cho tới khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát (tháng 9/2023), còn rất nhiều nội dung công việc quan trọng cần triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các thành viên Đoàn giám sát dành thời gian, tâm huyết cho các hoạt động của Đoàn giám sát, chủ động nghiên cứu thông tin, tài liệu, báo cáo và phát hiện, đề xuất những vấn đề cụ thể, trước hết là những nội dung theo phân công, sử dụng và phát huy tối đa bộ máy giúp việc của cơ quan, đơn vị mình nhằm góp phần đạt được mục đích, yêu cầu đề ra của Đoàn giám sát./.

Lê Anh- Nghĩa Đức