PHIÊN HỌP THỨ HAI ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016 – 2021: XÁC ĐỊNH RÕ NỘI DUNG VÀ KẾ HOẠCH GIÁM SÁT TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG, ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ TRÁNH CHỒNG CHÉO, LÃNG PHÍ
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2021
Toàn cảnh Phiên họp thứ hai Đoàn giám sát "Việc thực hienj chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021"
Thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 của Đoàn giám sát, Đoàn giám sát tổ chức Phiên họp thứ hai để nghe báo cáo về triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát; cho ý kiến về: đề cương kịch bản phim tư liệu về Đoàn giám sát; nội dung và kế hoạch giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và một số vấn đề liên quan.
Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi; các thành viên Đoàn giám sát là đại biểu Quốc hội, chuyên gia, thành viên Tổ biên tập, Tổ giúp việc.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát cho biết, để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, cụ thể: Ngày 25/10/2007 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, mới đây (ngày 11/02/2020), Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp
Nhấn mạnh năng lượng được đánh giá vừa là ngành sản xuất vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội và là động lực cho quá trình phát triển của đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã những bước phát triển vượt bậc trên nhiều mặt, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Quy mô của các ngành điện, than, dầu khí đều được mở rộng, khả năng tự chủ của các ngành từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng đã gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. Đáng chú ý, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời, thể hiện sự tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ trái đất. Điều này cũng đặt ra những thách thức mới và đòi hỏi cần có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc và cách làm mới, giải pháp đột phá để vượt qua thách thức, biến thành thác thành cơ hội và thực hiện thành công các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra. Đây cũng là mục tiêu của Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022; từ sau Phiên họp thứ nhất đến nay, Đoàn giám sát đã triển khai các công việc phục vụ chuyên đề giám sát. Để các hoạt động thời gian tới được diễn ra thuận lợi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia đóng góp ý kiến về một số nội dung trọng tâm: Về kế hoạch, tiến độ triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát; Về nội dung và kế hoạch giám sát tại các địa phương, bộ ngành, các cơ quan trung ương; Về Đề cương kịch bản phim tư liệu về Đoàn giám sát;…
Thành viên Đoàn giám sát tham dự Phiên họp thứ hai
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau một buổi làm việc khẩn trương, sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở, Phiên họp lần thứ hai của Đoàn giám sát đã hoàn thành chương trình đề ra.
Khẳng định thời gian vừa qua, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến thực chất sau giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 -2021” cần kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm thành công quý báu của các Đoàn giám sát trước đó. Theo đó, trong phương thức làm việc của Đoàn cần tiếp tục cải tiến để giám sát nâng cao chất lượng, phạm vi giám sát không dàn trải, cần tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như vai trò của người đứng đầu;... Bên cạnh đó, cần quán triệt trong các buổi làm việc giữa Đoàn giám sát và các bộ, ngành có liên quan cần đúng nội dung, đúng thành phần tham dự; công tác truyền thông cần theo sát và gắn liền với cả quá trình giám sát;...
Ghi nhận các ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn của thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổ giúp việc khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, kế hoạch, đề cương cũng như phục vụ các hoạt động giám sát, khảo sát một cách hiệu quả. Trong đó, liên quan đến Tổ công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Tổ công tác cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung liên quan để Đoàn công tác làm việc hiệu quả, thực chất với các địa phương, Bộ, ngành, tránh hình thức, lãng phí và làm ảnh hưởng đến các hoạt động của địa phương, cơ quan, tổ chức.
Nhấn mạnh từ nay cho tới khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát (tháng 9/2023), còn rất nhiều nội dung công việc quan trọng cần triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Đoàn giám sát dành thời gian, tâm huyết cho các hoạt động của Đoàn giám sát, chủ động nghiên cứu thông tin, tài liệu, báo cáo và phát hiện, đề xuất những vấn đề cụ thể, trước hết là những nội dung theo phân công, sử dụng và phát huy tối đa bộ máy giúp việc của cơ quan, đơn vị mình nhằm góp phần đạt được mục đích, yêu cầu đề ra của Đoàn giám sát./.