KHAI MẠC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2023
BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG NGHỊ QUYẾT HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ HIỆU QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRÊN THỰC TẾ
Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2022 và triển khai Kế hoạch công tác năm 2023
Tại Điều 74, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ UBTVQH có thẩm quyền giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND. Trên cơ sở đó, qua các nhiệm kỳ Quốc hội, hoạt động giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới, tăng cường gắn kết để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.
Nếu trong giai đoạn trước, hoạt động hướng dẫn mới chủ yếu tập trung hướng dẫn tổ chức kỳ họp đầu nhiệm kỳ mỗi khóa và chủ yếu là những văn bản cá biệt trả lời vướng mắc của địa phương thì trong những năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác hướng dẫn hoạt động của HĐND đã được tiếp tục tăng cường, đổi mới mạnh mẽ và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Lần đầu tiên UBTVQH tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của HĐND
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã rất quan tâm, chú trọng tới việc phát huy, nâng cao vai trò của HĐND trong thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan dân cử ở địa phương. Trong năm 2022, lần đầu tiên UBTVQH tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 03 miền Bắc, Trung, Nam và tổ chức Hội nghị ở 06 khu vực trong cả nước. Thông qua các Hội nghị, đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố có cơ hội chia sẻ, học tập kinh nghiệm, các mô hình tốt được nhân rộng,… Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy sự phát triển của cơ quan dân cử địa phương, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND.
Qua các Hội nghị này, UBTVQH đã ban hành Kết luận số 1144/TB-TTKQH ngày 7/6/2022 về tổng kết công tác tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và đã nhận được 53 ý kiến, kiến nghị của các địa phương về thể chế và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, theo Báo cáo tổng kết, các ý kiến, kiến nghị của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn trả lời.
Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Trung)
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công Lãnh đạo Quốc hội tham dự, chỉ đạo tại nhiều Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các khu vực trong cả nước, cử đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tại các tỉnh, thành phố. Thông qua việc trực tiếp tham dự Hội nghị, UBTVQH kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc cũng như có những góp ý, hướng dẫn sát thực đối với hoạt động của HĐND các địa phương.
Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 – “cẩm nang” chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân có cơ sở, chủ động, tích cực, phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân và chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tại Nghị quyết cũng đưa ra tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; căn cứ vào chương trình kỳ họp, ỷ kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn …
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã khẩn trương đưa nghị quyết vào nội dung tập huấn cho đại biểu là lãnh đạo HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND. Nhờ đó, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt, đưa lại những kết quả thiết thực.
HĐND thành phố Hà Nội, chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ ba, kỳ họp thứ bảy của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026
Với tinh thần thửng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm cao, đại biểu HĐND đã xem xét các báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm các nghị quyết đã được HĐND ban hành được thực thi hiệu quả. Hoạt động chất vấn tiếp tục được đổi mới theo hướng thực chất. Sau mỗi phiên họp chất vấn, HĐND đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tổ chức tái giám sát trong thực hiện các vấn đề, các cam kết trước nhân dân và cử tri địa phương;…
Như vậy, từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 trong hoạt động của HĐND, có thể thấy Nghị quyết đã sớm phát huy hiệu quả, giúp hoạt động giám sát của HĐND chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục được một số hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND thời gian vừa qua.
Tiếp nối những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Thông báo kết luận số 1304/TB-ĐĐQH 15 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND. Trên cơ sở đó, UBTVQH đã ban hành Kế hoạch số 389/KH-UBTVQH15 để tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND”. Việc ban hành và triển khai một loạt các văn bản như trên đã thể hiện tinh thần đổi mới, trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, đồng thời tạo động lực giúp hoạt động của HĐND ngày càng hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của HĐND
Ngoài ra, UBTVQH đã kịp thời ban hành 07 văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của HĐND, bao gồm: Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái, Ninh Bình về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk về quy trình thủ tục chuyển đại biểu HĐND cấp xã theo tập thể dân cư do tái định cư; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Bình Thuận áp dụng pháp luật kỷ luật hành chính đối với nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hình thức xử lý kỷ luật đối với đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016-2021; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh; Hướng dẫn Thường trực HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về thẩm quyền của HĐND tỉnh trong quy định của pháp luật Đất đai.… Qua đó, tăng cường mối quan hệ công tác giữa UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND trong việc thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tạo sự gắn kết, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, năm 2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức mời lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tham gia dự thính các Phiên họp công khai của Quốc hộị. Đây là một trong những điểm mới, nhằm giúp Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố học hỏi kinh nghiệm của Quốc hội, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân. Điểm đáng chú ý, nếu như trước đây, chỉ mời thường trực Hội đồng nhân dân tham dự thì tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này đã mở rộng thêm đối tượng là lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để các đại biểu có thể tham gia, tích lũy các kinh nghiệm quý khi có các nội dung liên quan tới địa phương. Thông qua hoạt động này, các đại biểu có thể rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó vận dụng vào việc điều hành các phiên họp của Hội đồng nhân dân các cấp. Cùng với đó, mỗi một đại biểu đều ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước cử tri và nhân dân.
Đáp ứng yêu cầu của HĐND các địa phương, hoạt động giám sát và hướng dẫn UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã có những bước đổi mới mạnh mẽ. Thông qua những việc làm cụ thể, từ những văn bản hướng dẫn kịp thời đến ban hành Nghị quyết sát, đúng và trúng, công tác hướng dẫn và giám sát hoạt động HĐND đã phát huy hiệu quả thiết thực trên thực tế, tạo động lực, sức lan tỏa rộng lớn, giúp phát huy được vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương./.