BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG NGHỊ QUYẾT HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ HIỆU QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN TRÊN THỰC TẾ

09/03/2022

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề nhưng hoạt động của HĐND các cấp không bị định trệ. HĐND các tỉnh/Tp đã tổ chức nhiều kỳ họp thường xuyên và bất thường, ban hành số lượng lớn các Nghị quyết về công tác tổ chức và quyết định giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương. Cùng với đó việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND được quan tâm trú trọng để phát huy hiệu quả thực tiễn.

 

Số lượng lớn các nghị quyết của HĐND các cấp được ban hành

Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát ở khắp các địa phương cả nước, tác động nặng nề đến mọi hoạt động của đời sống. Cơ quan dân cử cả nước cũng đứng trước những khó khăn chưa từng có tiền lệ khi đây là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ với bộ máy mới, nhân sự mới và đa số đại biểu mới…

Trong bối cảnh đó, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các văn bản hướng dẫn, giám sát giúp Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện tốt chức năng, vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa bảo đảm phòng, chống dịch an toàn hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.

Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc)

Ngay sau cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, mặc dù tình hình dịch COVID-19  diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam... nhưng HĐND các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ Nhất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Quốc hội và các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã về dự Kỳ họp thứ Nhất của HĐND cấp tỉnh, chỉ đạo, gợi mở nhiều vấn đề để HĐND có thể phát huy những lợi thế của địa phương, khắc phục những hạn chế, bảo đảm cùng với cả nước thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội và phòng, chống dịch Covid-19, với phương châm tính mạng của người dân là trên hết, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Vì vậy, tại kỳ họp đầu tiên này, nhiều địa phương ngoài việc xem xét các nội dung về công tác tổ chức, bộ máy và cán bộ còn xem xét, quyết định một số giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Trong vòng chưa đầy một năm (từ khoảng giữa năm 2021 đến nay). HĐND cấp tỉnh ở một địa phương đã ban hành ít nhất là 35 nghị quyết, đặc biệt có địa phương ban hành tới 190 nghị quyết (không kể các nghị quyết về công tác cán bộ). Các nghị quyết được ban hành mở rộng hành lang pháp lý để chiến thắng dịch bệnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức các kỳ họp HĐND bất thường để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội Khóa XV, Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn… Như HĐND tỉnh Hưng Yên, riêng năm 2021, đã tổ chức đến 7 kỳ họp; HĐND các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang cũng tổ chức 6 kỳ họp; HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức 5 kỳ họp; HĐND tỉnh Thanh Hóa tổ chức 4 kỳ họp… theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là phản ứng rất linh hoạt, nhạy bén, trách nhiệm, đáp ứng kịp thời thực tiễn cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc)

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, có thể cảm nhận được chuyển động rất tích cực, có luồng gió mới trong tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp. Đó là quyết tâm mới, khí thế mới và nhiều mô hình mới, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng mọi điều kiện. Luồng gió mới này vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt, cam go của đại dịch COVID-19 để “thổi” đều khắp từ các thành phố trực thuộc Trung ương đến các tỉnh lớn, tỉnh nhỏ từ khu vực miền núi, trung du đến đồng bằng.

Hạn chế tối đa tình trạng Nghị quyết được ban hành nhưng chậm triển khai

Tuy nhiên, có địa phương tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành nghị quyết quá nhiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của nghị quyết. Điều này được nhiều HĐND tỉnh/thành phố quan tâm chú trọng để các nghị quyết được thực hiện phát huy hiệu lực hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

Năm 2021, thành phố Hải Phòng được đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế và thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới. HĐND thành phố Hải Phòng đã ban hành 84 nghị quyết HĐND thành phố (tăng 64,7% so với trung bình năm nhiệm kỳ 2016-2021). Trong đó có 24 nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án cấp bách, trọng điểm; 18 nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, ngân sách địa phương; 06 nghị quyết quy định chính sách đặc thù của thành phố; 04 nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, 05 nghị quyết quy định mức chi và mức phí.v.v...tập trung xác định rõ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách nhà nước, đầu tư công, các dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, các cơ chế chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch COVID-19, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Kỳ họp HĐND Thành phố Hải Phòng

Để có được những quyết sách đúng và trúng trong việc ban hành nghị quyết nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển đô thị, Thường trực HĐND thành phố và các Ban HĐND thành phố đã lựa chọn những nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện thực tiễn và gắn với những vấn đề quan trọng, định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở thành phố.

Cũng trong bối cảnh khó khăn của năm 2021, Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm đã đề ra vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quan tâm chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết; vừa bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, ổn định phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016 - 2021), GRDP cả năm đạt 10,28%; thu ngân sách nhà nước đạt 52.440 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán đầu năm, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Đóng góp vào kết quả toàn diện của tỉnh đạt được trong năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, ban hành 93 nghị quyết, toàn diện nhiều nội dung quan trọng, cấp thiết. Để các nghị quyết HĐND tỉnh khẩn trương được thực hiện, thì ngay từ khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương dự thảo các quyết định, kế hoạch, văn bản cụ thể để triển khai nghị quyết ngay sau khi ban hành, vì vậy đã hạn chế tối đa tình trạng Nghị quyết được ban hành nhưng chậm triển khai.

Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh

Sau khi Nghị quyết được ban hành, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND theo dõi có hệ thống gắn với công tác khảo sát thường xuyên, đôn đốc triển khai để trao đổi thông tin hoặc kịp thời kiến nghị bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có), trong đó chú trọng đến việc phát hiện tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách, đặc biệt là những chính sách riêng của tỉnh tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như chỉ rõ các mặt còn yếu kém, những tồn tại, hạn chế và đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế, góp phần nâng cao chất lượng các nghị quyết HĐND tỉnh đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo tuyên truyền, đăng tải công khai nghị quyết trên các trang thông tin điện tử của tỉnh để cử tri, Nhân dân theo dõi, nắm bắt. Đồng thời, chỉ đạo các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND, UBND các địa phương tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết, nhất là các cơ chế, chính sách đến từng tổ dân, khu phố; tiếp nhận các thông tin phản ánh từ cử tri, Nhân dân về những nội dung chưa phù hợp, kịp thời báo cáo Thường trực HĐND, UBND để xem xét thống nhất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân.

Đổi mới về chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND các cấp

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị HĐND các cấp cần đổi mới về chương trình xây dựng Nghị quyết; báo cáo với cấp ủy để HĐND xây dựng kế hoạch định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của cả nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng Nghị quyết hằng năm. Nghị quyết cần được xây dựng theo quy định của pháp luật, Nghị quyết đại hội Đảng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; giải quyết được những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm, những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của địa phương. Nghị quyết khi được ban hành phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đồng bộ với chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương

Đồng thời, liên tục cập nhật và chỉ đạo thực hiện kịp thời các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các văn bản yêu cầu về việc thực hiện trạng thái“thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” để cụ thể hóa vào Nghị quyết của HĐND.

Để đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri ngay từ công tác chuẩn bị kỳ họp, HĐND cấp tỉnh chủ động phối hợp với UBND, UBMTTQVN tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị để thống nhất nội dung, xây dựng chương trình kỳ họp hợp lý, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng. Nội dung Nghị quyết của HĐND khi được ban hành phải bảo đảm tính khả thi cao, không trái thẩm quyền, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề “nóng” và “điểm nghẽn”, đang được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Trung)

Trong phát biểu kết luận Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần tiến hành rà soát, xây dựng ban hành các chủ trương, nghị quyết cho cả nhiệm kỳ. "Như Quốc hội, Kết luận 19 của Bộ Chính trị triển khai về xây dựng chương trình pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Ở cấp tỉnh, thành phố thì dự kiến mỗi năm ban hành bao nhiêu nghị quyết, đặc biệt cần xem lại việc ban hành và thực hiện có gắn với nhau không", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Bảo Yến

Các bài viết khác