GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG PHẢI HIỆU QUẢ, GIẢI QUYẾT KỊP THỜI NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC HIỆN NAY

10/09/2022

Sáng ngày 10/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch, đề cương phục vụ Đoàn Giám sát của Ủy ban TVQH về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Làm rõ những thách thức trong quản lý an toàn thông tin, chống gian lận thương mại khi giao dịch điện tử

Tham dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cùng các Phó Chủ nhiệm và thành viên Ủy ban; đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; thành viên Đoàn giám sát cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Theo Nghị quyết số 528/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát về những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.


Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch, đề cương phục vụ Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. 

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành nghiên cứu tài liệu, làm việc với các chuyên gia, Bộ ngành, cơ quan liên quan đến lĩnh vực năng lượng; trên cơ sở đó xây dựng dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Để tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch, các Đề cương của Đoàn giám sát chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được sự đồng ý của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải – Trưởng Đoàn giám sát, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo để xin ý kiến về một số nội dung quan trọng phục vụ giám sát chuyên đề rất rộng và phức tạp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định: Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó đáng lưu ý là ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon (Net-zero) vào năm 2050. 

Tuy vậy, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giai đoạn 2016-2021 vừa qua, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.

Mục tiêu đặt ra là cần tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra được một đầu bài đúng, để cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thật sự thực chất, hiệu quả, “đúng” và “trúng”, vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng. Trong khi đó, nội dung và phạm vi giám sát rất rộng, nhiều nội dung rất chuyên sâu, tính chất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.


Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các nội dung: Bảo vệ môi trường, giảm phát thải, khí thải; đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả khai thác và sử dụng năng lượng; phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển năng lượng; chính sách dành cho thực hiện bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng…

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định, bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng, cần đặt ra mục tiêu để đạt được. Theo đó, cần đặt bảo vệ môi trường trước tiết kiệm năng lượng hiệu quả cũng như đưa ra quy chuẩn rác thải chứ không phải là tiêu chuẩn rác thải, quy chuẩn về môi trường xung quanh. Để bảo vệ môi trường hiệu quả, cũng cần chú trọng đến cơ chế, chính sách để thực hiện.

Là người dành sự ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường, Tiến sĩ Trịnh Thành- Viện Khoa học, Công nghệ môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nêu quan điểm: Bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc thì thực hiện các nội dung, vấn đề khác sẽ rõ ràng hơn. Liên quan đến bảo vệ môi trường, nhiều người thường quan tâm đến khí thải và nhiệt điện mà chưa chú trọng đến nước thải, phát thải và khí thải. Vì vậy, nên có phần đánh giá về nước thải, phát thải và khí thải tác động như thế nào đến công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, vấn đề an ninh năng lượng cũng cần có sự quan tâm và kiểm soát chặt chẽ để xem xét hiệu quả đối với đời sống, phát triển kinh tế-xã hội như thế nào.


Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh-Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam đề cập về phát triển ngành Dầu khí cũng như khẳng định phát triển năng lượng đóng góp quan trọng vào các ngành kinh tế khác.

Đồng thuận với quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh-Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam khẳng định: Ngành Năng lượng đóng góp quan trọng vào các ngành kinh tế khác nên đề nghị Đoàn giám sát cần quan tâm đến thị trường năng lượng cho đến nay phát triển như thế nào, mỗi phân ngành đã có sự liên kết với nhau không. Nguồn nhân lực, hạ tầng để phát triển cho ngành Năng lượng đến đâu; khả năng cạnh tranh, phân ngành Năng lượng như thế nào?

Đóng góp ý kiến vào các nội dung mà Đoàn giám sát cần chú trọng quan tâm giám sát, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, Đoàn giám sát cần tập trung giám sát vào vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; hiệu quả khai thác và sử dụng năng lượng; cơ sở hạ tầng năng lượng; phát triển các thị trường năng lượng; chính sách giá năng lượng bao gồm cả giá điện; phát triển khoa học công nghệ trong phát triển năng lượng. Để thực hiện được những nội dung trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần tham mưu với Quốc hội rà soát lại các điều luật, chính sách liên quan cũng như có sự đánh giá về những bất cập về thể chế để thực hiện tốt các chính sách đó.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Sau một buổi làm việc khẩn trương, sôi nổi, thẳng thắn và cởi mở, Hội thảo đã thành công tốt đẹp với những ý kiến đóng góp thiết thực để phục vụ Đoàn giám sát đánh giá về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 được tốt hơn. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thường trực Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường sẽ chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu để hoàn thiện các dự thảo văn bản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tới đây./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:


Hội thảo được tổ chức nhằm giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” nắm rõ hơn về những nội dung, vấn đề trọng tâm cần được giám sát.



Các đại biểu tham dự Hội thảo.



Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đề cập về tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.


Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đề cập về phát triển năng lượng tái tạo. 


Tiến sĩ Trần Chí Thành-Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử đề cập về nguồn nhân lực và mục tiêu Việt Nam phấn đấu đạt trung hòa carbon (Net-zero) vào năm 2050.


Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nêu quan điểm, Đoàn giám sát nên tập trung vào một số nội dung, vấn đề trọng tâm khi thực hiện giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Bích Lan-Minh Thành

Các bài viết khác