THÚC ĐẨY TÍNH LIÊN KẾT GIỮA CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÔNG TÁC QUY HOẠCH

16/04/2022

Qua các cuộc làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội về công tác quy hoạch cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần sớm tháo gỡ giải quyết, trong đó đặc biệt là vấn đề tính phối hợp và liên kết giữa các địa phương và các vùng còn yếu. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để tạo ra vùng tăng trưởng mạnh mẽ.

Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với các Bộ, ngành

Thời gian qua, Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”đã tiến hành làm việc với một số Bộ, ngành, 05 thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh có tính đại diện cho các vùng miền của cả nước, triển khai làm việc với Chính phủ. Qua các cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã cơ bản đánh giá được thực trạng việc chấp hành chính sách, pháp luật về lĩnh vực quy hoạch, nắm bắt, tổng hợp đầy đủ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, các kiến nghị, giải pháp để hoàn thành việc lập các quy hoạch bảo đảm tiến độ và chất lượng. Theo đó, một trong những vấn đề nổi cộm của công tác quy hoạch là tính phối hợp và liên kết giữa các địa phương và các vùng rất yếu.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS.Trần Đình Thiên cho rằng sự chia cắt có nguyên nhân sâu xa từ mối liên hệ “dọc” từ Trung ương đến địa phương đã tồn tại nhiều năm trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Vì cơ chế xin - cho, đa số các tỉnh đều gặp những giới hạn nghiêm ngặt của cơ chế và nguồn lực “đóng cửa” nên hầu như không thể bứt phá.

TS.Trần Đình Thiên cho rằng, tư duy này thể hiện rõ trong thực tế khi các tỉnh đua nhau làm khu công nghiệp, đua nhau làm cảng biển, đua nhau thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng cách “hạ giá” địa phương mình, tìm cách gây khó khăn cho tỉnh bạn như không phối hợp kết nối giao thông, tranh chấp dự án… Điều này đang gây ra những tổn thất to lớn không chỉ ở tầm địa phương mà cả tầm quốc gia.

Chuyên gia kinh tế - TS.Trần Đình Thiên

Theo TS. Trần Đình Thiên, cấu trúc “nền kinh tế tỉnh” chứa đựng những yếu tố và xu hướng phát triển đi ngược lại nguyên lý cơ bản của kinh tế học. Đó là chưa phát triển dựa trên lợi thế quy mô, thiết lập và mở rộng phạm vi chuỗi liên kết, hình thành mạng sản xuất, cụm công nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để trở lại đúng nguyên lý của kinh tế học và của thị trường, ngoài việc xem xét điều chỉnh, bổ sung cơ chế phân cấp, phân quyền, cần thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để tạo ra vùng tăng trưởng mạnh mẽ dựa trên việc phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương. Điều này sẽ xóa bỏ tình trạng manh mún, chia cắt của các tỉnh. Quy hoạch phát triển vùng sẽ hiệu quả hơn nhờ tránh được sự chồng chéo, lãng phí. Việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng sẽ tránh được các xung đột cục bộ cũng như những phản đối xuất phát từ lợi ích nhóm.

TS.Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, lại chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực. Thậm chí, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Trong báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Viện Chiến lược phát triển thực hiện, TS. Trần Hồng Quang đề xuất, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

Ngoài ra, cùng với việc hình thành các vùng động lực, cần tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam và hành lang kinh tế Đông – Tây thông qua việc tận dụng kết nối hạ tầng để tạo lực kéo cho các địa phương.

Các chuyên gia cho rằng những khó khăn trong thiếu thể chế liên kết vùng cần được khắc phục trong quy hoạch tổng thể sắp tới

Cụ thể, về hành lang kinh tế Bắc – Nam, dự kiến có 2 hành lang: hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau; hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang – Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030 ưu tiên phát triển hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.

Về các hành lang kinh tế Đông – Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi, như: có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế...; hay các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị… và ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

TS.Trần Hồng Quang cho rằng, sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực, cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực.

Cùng quan điểm cần lựa chọn các vùng động lực để ưu tiên phát triển trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn chế, nhiều chuyên gia cho rằng việc lựa chọn vùng động lực cần tập trung, tránh dàn trải; đặc biệt, sự khác biệt giữa việc phân vùng động lực và vùng kinh tế trọng điểm cần được thể hiện rõ trong quy hoạch sắp tới.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng những khó khăn trong thiếu thể chế liên kết vùng thời gian qua cần được khắc phục trong quy hoạch tổng thể sắp tới. Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, việc xác định vai trò trung tâm vùng không có nhiều ý nghĩa nếu thiếu thực tế thị trường và sự định hình vai trò phát triển trung tâm trong việc vực dậy kinh tế của các địa phương xung quanh, đồng thời đưa ra đề xuất xem xét hình thành vùng mới để vừa tránh được xung đột, vừa tạo sức mạnh chung cho cả vùng./.

Minh Hùng

Các bài viết khác