NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG

12/04/2022

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề việc thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân và giải quyết tố cáo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt trong công tác tổ chức đối thoại theo quy định của pháp luật.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị 

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề việc thực hiện pháp luật về việc tiếp công dân và giải quyết tố cáo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về công tác giải quyết khiếu nại, hiện Bộ đang có 04 vụ việc thuộc thẩm quyền đang trong quá trình giải quyết, với nội dung khiếu nại các Quyết định giải quyết lần đầu của UBND tỉnh, thành phố về việc đòi lại nhà đất. Sau khi nhận được đơn khiếu nại, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố cung cấp thông tin, tài liệu và làm rõ một số nội dung. Bộ đã tổ chức đầy đủ các buổi làm việc, đối thoại giữa người khiếu nại và đại diện UBND tỉnh, thành phố.

Kết quả giải quyết, đến thời điểm ngày 06/4/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành 03 quyết định giải quyết 03 vụ việc theo hướng công nhận các quyết định của UBND tỉnh, thành phố về việc giải quyết khiếu nại, tuy nhiên cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền nguyện vọng về nhà ở tại địa phương của người khiếu nại. Với 01 trường hợp còn lại, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch tổ chức đối thoại; dự kiến sớm ban hành quyết định giải quyết.

Đánh giá về thời gian giải quyết khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc giải quyết khiếu nại tại 04 vụ việc nêu trên là chậm so với quy định, do việc người dân đòi nhà, đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa. Do sự việc diễn ra từ năm 1975, chủ sở hữu nhà đất đã mất, hoặc tuổi cao nên việc cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu để làm cơ sở giải quyết kéo dài, không đầy đủ; tình hình COVID bùng phát, phải hạn chế tiếp xúc đi lại, cán bộ thu lý bị cách ly; số lượng công chức thực hiện công tác giải quyết khiếu nại còn thiếu và chưa chủ động tham mưu, sắp xếp công việc hợp lý nên việc giải quyết khiếu nại còn chậm tiến độ.

Cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Xây dựng về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, việc giải quyết khiếu nại 04 vụ việc là chậm so với quy định do thời gian thu thập thông tin, xác minh tại các địa phương còn kéo dài, lực lượng công chức tham gia giải quyết còn thiếu, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên gây khó khăn trong việc xác minh.

Đề cập nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đối với các vụ việc tồn đọng thường xảy ra quá lâu, việc lưu trữ hồ sơ ở các địa phương không đầy đủ, chủ sở hữu nhà đất nhiều người đã mất hoặc định cư ở nước ngoài, những người đi khiếu nại là con, cháu của chủ nhà hoặc người được ủy quyền, đồng thời do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, kéo dài nên việc thu thập hồ sơ gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết phải kéo dài. Các khiếu nại liên quan đến đòi nhà tôn giáo thường gay gắt, có tính chất nhạy cảm, vì vậy, việc giải quyết vừa phải đảm bảo đúng pháp luật, vừa phải mềm dẻo để giữ vững ổn định chung của xã hội. Quan điểm giải quyết và nguyên tắc vận dụng pháp luật của các cơ quan còn khác nhau, có vụ việc phải đi kiểm tra, xác minh thực tế, trao đổi với địa phương và các ban ngành, hoặc phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ ban hành quyết định giải quyết theo quy định. Theo quy định của chính sách hiện hành thì nay Nhà nước không xem xét lại việc quản lý của Nhà nước trước đây là đúng hay sai; không thừa nhận việc đòi lại nhà mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng; vì vậy, trong một số trường hợp người dân rất bức xúc dẫn đến tình trạng khiếu nại gay gắt, kéo dài.

 Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại đặc biệt trong công tác tổ chức đối thoại theo quy định của Luật Khiếu nại. Đối với công tác giải quyết tố cáo, cần tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn Luật; tập trung giải quyết những nội dung giải quyết tố cáo tồn đọng, kéo dài./.

Minh Hùng

Các bài viết khác