QUỐC HỘI PHÁT HUY SỨC MẠNH TỔNG HỢP CỦA CÁC CHỦ THỂ GIÁM SÁT

01/11/2021

Trong năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 chuyên đề giám sát, trong đó có 2 chuyên đề giám sát của Quốc hội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

 

Trong năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 chuyên đề giám sát, trong đó có 2 chuyên đề giám sát của Quốc hội. Ngay từ đầu  nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Để thực hiện được mục tiêu đấy, phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng tham gia giám sát, trong đó có vai trò của các chủ thể giám sát ở địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc họp giữa các đơn vị để chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, hôm 28/10/2021

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành 07 chuyên đề về các lĩnh vực  phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân. Cùng với đó, các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH đã kiến nghị bổ sung để hoàn thiện chính sách, pháp luật. Bên cạnh việc tận dụng các nội dung giám sát trước đây, trong nhiệm Kỳ này, Quốc hội khóa XV sẽ phát huy vai trò của các cơ quan dân cử địa phương trong hoạt động giám sát chuyên đề. Cụ thể, tại những nơi Đoàn giám sát không tới khảo sát thực tế, các Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh sẽ thực hiện giám sát và gửi báo cáo liên quan đến chuyên đề giám sát để Đoàn tổng hợp.

Đại biểu Bùi Huyền Mai, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, cho rằng đây là một hướng đi đúng trong việc đổi mới hoạt động giám sát. Ở những địa phương mà Đoàn không đến giám sát trực tiếp được thì Quốc hội sẽ giao cho các Đoàn ĐBQH các địa phương phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân ở các tỉnh, thành phố để thực hiện giám sát và có báo cáo. Bởi, thứ nhất, việc này sẽ tạo được sự thống nhất trong hệ thống cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương. Thứ hai, cách thức đổi mới như vậy sẽ đảm bảo tính thực tiễn của hoạt động giám sát, bởi vì hệ thống của HĐND từ cấp tỉnh, thành phố đến xã, phường, thị trấn đều có các kênh thu thập thông tin và kiểm chứng hoạt động chung của cơ quan quản lý các cấp về việc thực hiện chính sách pháp luật trên từng lĩnh vực.

Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai

“Nếu phối hợp giám sát với Thường trực HĐND sẽ có hiệu ứng thực tế tốt, từ đó hiệu quả giám sát của Quốc hội sẽ được nâng lên một tầm cao mới”, đại biểu Bùi Huyền Mai nhấn mạnh.

Để các chuyên đề giám sát được thực hiện hiệu quả hơn trên tinh thần giám sát phải chỏ rõ địa chỉ, quy rõ trách nhiệm, các Đoàn gám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai thực tế ở địa phương sau khi lựa chọn vấn đề nổi lên qua báo cáo và các nguồn thông tin khác. Đây cũng là điểm mới hứa hẹn các cuộc giám sát sẽ có trọng tâm, trọng điểm, đi đúng, đến trúng vấn đề từ thực tế cuộc sống, đáp ứng được được mong mỏi của cử tri, đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” - cho rằng, qua việc xây dựng kế hoạch của các Đoàn giám sát cho thấy có 2 nội dung đổi mới. Thứ nhất, kế hoạch giám sát không phải xây dựng theo một công thức, mà các Đoàn tự trao đổi, thảo luận để phát hiện ra những vấn đề nổi cộm, dư luận quan tâm, những vấn đề có kết luận thì đấy những nội dung trọng tâm của Đề cương giám sát. Thứ hai, dựa trên cơ sở những nội dung trọng tâm đó, Đoàn giám sát xây dựng nên Đề cường để yêu cầu các địa phương, đơn vị báo cáo. Sau khi nhận được Báo cáo, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, cùng với các nguồn thông tin khác, sẽ phát hiện ra những nơi có vấn đề cần đến trực tiếp để khảo sát, lấy ý kiến của người dân và nhà quản lý.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trả lời phỏng vấn của phóng viên

“Đó mới là địa chỉ giám sát chứ không như trước đây, chúng ta ấn định trước các đơn vị, địa phương đến giám sát. Với 2 phương thức này, tôi cho rằng giám sát sẽ đi đúng vào vấn đề cốt lõi mà chúng ta đang cần xử lý, giải quyết và tìm được địa chỉ nổi cộm để đi đến tận gốc vấn đề”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Còn theo đại biểu Hoàng Anh Công, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021”, để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, trong thời gian tới, chúng ta cần phải nâng cao vao trò của các Đoàn ĐBQH, các đại biểu Quốc hội trong giám sát, cần có cơ chế để các đại biểu Quốc hội, các Đoàn ĐBQH tăng cường giám sát ở cơ sở. Đó sẽ là một trong những động lực rất lớn nâng cao hoạt động giám sát của Quốc hội tại các địa phương, qua đó góp phần đưa hơi thở cuộc sống và nghị trường Quốc hội.

Triển khai hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022, các Đoàn giám sát sẽ mời các thành viên tham gia là đại diện Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia về lĩnh vực giám sát. Cùng với các thành viên Đoàn giám sát là các đại biểu Quốc hội ở các địa phương, các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ phát huy sức mạnh tổng thể của các lực lượng tham gia giám sát, có nhiều khía cạnh, góc tiếp cận hơn khi tiến hành các chuyên đề giám sát.

Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trả ời phỏng vấn của phóng viên

Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Thành viên Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021”, cho biết: “Kỳ này, các Đoàn giám sát đều chú trọng mời đại diện Kiểm toán Nhà nước, các đoàn thể, chuyên gia các lĩnh vực tham gia để đánh giá vấn đề dưới các góc độ khác nhau, qua đó sẽ xác định cho trúng, đúng, hợp lý các nội dung giám sát và đề ra các giải pháp mang tính toàn diện, triệt để hơn”.

Giám sát không thể chỉ dừng lại ở việc “kính chuyển đơn”, không phải là việc “bới lông tìm vết”…. đó là một trong những chức năng mà Quốc hội đang đẩy mạnh, thực hiện “đúng vai” của mình trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, phát huy sức mạnh tổng thể của các chủ thể giám sát sẽ góp phần thúc đẩy việc tổ chức thực hiện và xây dựng chính sách pháp luật tốt hơn./.

Khắc Phục

Các bài viết khác