Bước đi mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo
Qua nghiên cứu các báo cáo của tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt về nội dung giáo dục, đào tạo, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, mặc dù điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Tuyên Quang đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp để có bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, coi đây là khâu then chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cụ thể, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo được tỉnh Tuyên Quang quan tâm triển khai, cụ thể hóa thành nhiều văn bản, kế hoạch thực hiện của tỉnh nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của địa phương. Các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh Tuyên Quang đều chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học; duy trì và giữ vững kỷ cương, nền nếp, an toàn trường học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng lên cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Các chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hằng năm đạt 24,6% tổng chi ngân sách của tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc
Hệ thống cơ sở giáo dục mầm non được sắp xếp lại phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, xoá được các thôn bản trắng về giáo dục mầm non, tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho trường, lớp học. Chính sách giáo dục mầm non được quan tâm. Bên cạnh đó, hệ thống trường phổ thông được củng cố và phát triển. Việc rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, lớp học cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế. Các loại hình trường, lớp và hình thức học tập được phát triển đa dạng, tạo điều kiện thu hút học sinh đến trường. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu. Chất lượng giáo dục phổ thông từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng dần qua các năm.
Để tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách có tính chiến lược về phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phủ khắp các địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Việc rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực cho hệ thống cơ sở dạy nghề được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, các chương trình đào tạo nghề được tỉnh triển khai tích cực. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được nâng cao; số lượng người lao động qua đào tạo tăng.
Tiếp tục khắc phục những hạn chế
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, mạng lưới trường lớp giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán, ảnh hưởng tới việc huy động trẻ đến trường, duy trì sĩ số học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục; số điểm trường nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục. Trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy của một số cán bộ quản lý, giáo viên tỉnh còn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên so với định mức ở các cấp học và nhiều môn học; việc triển khai thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh chưa thực sự hiệu quả; số lượng giáo viên các cấp có trình độ cao được thu hút về tỉnh còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu
Qua nghiên cứu báo cáo về lĩnh vực giáo dục, đào tạo của tỉnh Tuyên Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, những mục tiêu của tỉnh đặt ra trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần thường xuyên đối chiếu giữa mục tiêu của tỉnh so với chỉ tiêu chung mà Trung ương đề ra, đồng thời cần phải phân tích rõ những điều kiện đảm bảo để thực hiện những mục tiêu này như thế nào mới có thể đảm bảo được tính khả thi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng tại buổi làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho rằng, các điều kiện đảm bảo đảm chất lượng giáo dục của tỉnh hiện nay còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc học tập, giảng dạy ở một số trường còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là ở địa bàn vùng sâu và các điểm trường. Tỉ lệ kiên cố hoá trường lớp học còn thấp, nhất là cấp học mầm non; trang thiết bị phục vụ việc học tập, giảng dạy còn thiếu theo quy định; tỉ lệ thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp và thấp hơn so với bình quân của cả nước. Cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, phòng thư viện, thí nghiệm, nhà công vụ đã được bổ sung nhưng còn thiếu so với quy định. Chất lượng giáo dục ở khu vực vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế; chất lượng giáo dục phổ thông vẫn còn thấp so với mặt bằng chung cả nước chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều.
Cần quan tâm xây dựng chiến lược phát triển và các chính sách cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Để tháo gỡ những hạn chế này, Đoàn giám sát đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đào của tỉnh và các chính sách, đề án cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy, mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương và bảo đảm quyền lợi người học. Đổi mới công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm, mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục học sinh, quan tâm xây dựng văn hóa học đường. Đồng thời, bố trí và sử dụng hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo; bảo đảm tỷ lệ chi thường xuyên và chi hoạt động tối thiểu theo định mức (82/18); bảo đảm các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, hiệu quả, chất lượng. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, trước hết đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Tuyên Quang tiếp tục quan tâm đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm về số lượng, chất lượng. Quan tâm chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý công tác tại miền núi, vùng dân tộc thiểu số; có giải pháp phù hợp đối với việc tuyển dụng, tinh giản biên chế, luân chuyển đội ngũ giáo viên phù hợp với yêu cầu, đặc thù của giáo dục và điều kiện thực tiễn của địa phương. Chú trọng cộng tác phân luồng, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, chủ động, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm kế hoạch năm học, chất lượng giáo dục và phương thức dạy học phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp./.