Tham dự Đoàn công tác còn có Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Nhật; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Ngọc Bảo; đại diện Văn phòng Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội…
Thay mặt Ban lãnh đạo BIDV báo cáo tình hình cho các dự án Công trình giao thông theo hình thức BOT vay vốn, Phó Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, tại thời điểm 31/12/2016 BIDV đang thực hiện cho vay đối với 36 dự án công trình giao thông theo hình thức BOT, trong đó có 31 dự án đã hoàn thành đi vào khai thác; 5 dự án đang trong quá trình tiếp tục đầu tư xây dựng.
Về tổng mức đầu tư, 36 dự án được BIDV cho vay có tổng mức đầu tư (TMĐT) là 54.135 tỷ đồng. Tổng số tiền BIDV cam kết tài trợ vốn cho 36 dự án là 33.665 tỷ đồng, chiếm 62% TMĐT. Tổng giá trị tài sản để bảo đảm cho các khoản cho vay tại BIDV (theo Hợp đồng bảo đảm tiền vay) là 46.147 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay (quyền thu phí) là 42.358 tỷ đồng, tài sản bảo đảm khác với giá trị 3.788 tỷ đồng.
Thời gian cho vay trung bình của 36 dự án là 170 tháng, trong đó ngắn nhât là Dự án BOT đường tránh Thanh Hóa- Hạng mục đường tránh vành đai phía Đông với thời gian là 18 tháng (mua lại nợ từ tổ chức tín dụng khác), dài nhất là Dự án BOT đường tránh thành phố Đồng Hới với 240 tháng. Thời gian trả nợ trung bình là 140 tháng. Cơ bản các Nhà đầu tư đã góp đủ vốn tự có tham gia vào dự án theo điều kiện cho vay của BIDV. Đối với phần vốn tự có còn lại phải góp theo đánh giá của BIDV các nhà đầu tư đều có khả năng góp đủ theo như cam kết.
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên- Trưởng Đoàn công tác số 2 phát biểu tại buổi làm việc với BIDV Ảnh: Hồng Loan
Về doanh thu phí của dự án, có 18 dự án có nguồn thu phí thực tế bằng hoặc lớn hơn phương án tài chính trong Hợp đồng BOT. Có 14 dự án có nguồn thu phí thấp hơn phương án tài chính trong Hợp đồng BOT, trong đó thấp nhất là Dự án BOT Cầu Mỹ Lợi chỉ đạt 39% so với phương án tài chính trong Hợp đồng BOT. Đến thời điểm 31/12/2016 BIDV đã giải ngân lũy kế cho 36 dự án với tổng số tiền là 28.971 tỷ đồng, đạt 86% cam kết cho vay của BIDV. Số tiền còn có thể giải ngân cho các dự án là 2.179 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2016 đạt 26.951 tỷ đồng.
Về giám sát tín dụng, trong quá trình vay BIDV đã thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay theo đúng quy định, trong đó lưu trữ đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến Nhà đầu tư, khách hàng vay vốn, dự án, hồ sơ giải ngân theo quy định. Các Chi nhánh BIDV đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện ủy nhiệm của Trụ sở chính trong cho vay; thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng đã sử dụng vốn vay của BIDV đúng mục đích.
Theo Phó Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm, trong quá trình cho vay đối với các dự án công trình giao thông theo hình thức BOT, BIDV nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc như một số dự án do chậm trong giải phóng mặt bằng, thi công, hoàn tất hồ sơ xin thu phí…dẫn đến đi vào thu phí không đúng tiến độ, theo đó chậm có nguồn thu để trả nợ vốn vay. Một số dự án khi đi vào thu phí bị phân lưu bởi tuyến khác hoặc lưu lượng xe qua tuyến thấp hơn dự kiến dẫn đến nguồn thu thấp hơn so với phương án tài chính, ảnh hưởng đến việc trả nợ vay. Hầu hết các dự án đi vào hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện công tác quyết toán/phê duyệt quyết toán công trình dự án để làm cơ sở xác định thời gian hoàn vốn và xác định lịch trả nợ gốc vay ngân hàng.
Ngoài ra, một số dự án có chi phí đầu tư thực tế thấp hơn TMĐT được duyệt, nhưng cơ quan có thẩm quyền lại bổ sung công trình/hạng mục, dẫn đến thời gian hoàn vốn và thời gian cho vay vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên. Một số dự án sau khi đi vào vận hành bị phân lưu bởi tuyến khác hoặc lưu lượng xe qua tuyến thấp hơn dự kiến dẫn đến nguồn thu thấp hơn so với phương án tài chính, ảnh hưởng đến việc trả nợ vay. Nhiều dự án BOT trước đây BIDV cho vay trong Hợp đồng BOT đều dự kiến lộ trình tăng phí theo chu kỳ 3 năm/lần (với mức tăng khoảng 18% trong 3 năm), khi thẩm định xét duyệt cho vay, BIDV căn cứ vào lộ trình này và phương án tài chính theo Hợp đồng BOT để tính toán hiệu quả tài chính và xác định thời hạn cho vay. Tuy nhiên, tại Điều 6 của Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định “định kỳ 3 năm kể từ 2016 trở đi, căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh mức thu phí quy định tại thông tư này đảm bảo nguyên tắc pháp luật về phí, lệ phí”. Như vậy, nếu mức tăng phí không như dự kiến trong các Hợp đồng BOT thì nguồn thu của dự án không đảm bảo để trả nợ vốn vay trong thời gian cho vay đã được BIDV duyệt, điều này dẫn đến phát sinh nợ cơ cấu hoặc nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay.
Tại buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn công tác đã đặt ra một số vấn đề trong việc cho vay các dự án Công trình giao thông theo hình thức BOT tại BIDV như căn cứ tài trợ vốn như thế nào và việc đánh giá, rà soát, giám sát tài sản trả nợ ra sao?....
Giải đáp một số vấn đề mà Đoàn công tác đặt ra, theo Tổng Giám đốc BIDV Phan Đức Tú, việc cho vay các dự án BOT giao thông góp phần nâng cao năng lực Hạ tầng giao thông của Việt Nam, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vùng miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông thường có TMĐT lớn, vốn tự có của Nhà đầu tư thấp, thời gian vay vốn kéo dài, trong khi nguồn vốn dài hạn của các TCTD trong nước còn hạn chế, dẫn đến các TCTD trong nước khó có thể đáp ứng nhu cầu tài trợ vốn cho các dự án BOT giao thông. Hiện nay, việc kiểm soát tổng mức đầu tư có nhiều chủ thể tham gia, BIDV sẽ đánh giá, căn cứ tài trợ vốn trên cơ sở các kế hoạch, tình hình thực tế và sẽ thẩm định lại tổng mức đầu tư.
Lãnh đạo BIDV cũng cho rằng, hiện tài khoản đảm bảo của các dự án BOT chủ yếu dựa vào quyền thu phí, mà chủ yếu là quyền thu phí trong tương lai, ngoài ra là đảm bảo bằng tài sản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn trong việc thu hồi vốn vay, các dự án ngân hàng cho vay đều yêu cầu khách hàng vay vốn mua bảo hiểm trong quá trình thi công, vận hành khai thác dự án. BIDV cũng sẽ tính toán, xác định giới hạn, mức độ rủi ro trong phạm vi chấp nhận được thì mới cho vay. Đồng thời, việc cho vay vốn luôn được thực hiện theo đúng theo quy định trong Luật về các tổ chức tín dụng, quy định của Ngân hàng nhà nước và các văn bản pháp luật khác trong tất cả các khâu từ tiếp cận nguồn vốn vay, thẩm định, phê duyệt hồ sơ, kiểm tra, giám sát….
Tổng Giám đốc BIDV Phan Đức Tú cũng cho rằng, để thực hiện hiệu quả việc cho vay các dự án Công trình theo hình thức BOT, Nhà nước cần phải có chính sách ổn định, cơ chế rõ ràng, sát với thực tế; phải có sự đồng thuận của các nhà đầu tư, người dân. Đồng thời cần lựa chọn kỹ lưỡng các nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản lý xây lắp, vận hành; tăng cường công tác giám sát, quản lý của các đơn vị chủ quản và phải có chính sách hợp lý để huy động vốn dài hạn cho các dự án này; đề nghị cho phép nhà đầu tư hạch toán chi phí mua bảo hiểm trong thời gian vận hành vào chi phí hoạt động của dự án và được phép sử dụng nguồn thu phí từ dự án để trang trải chi phí này.
Thay mặt Đoàn công tác ghi nhận những kết quả tích cực mà BIDV đã đạt được trong việc cho vay đối với các dự án Công trình theo hình thức BOT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên- Trưởng Đoàn công tác khẳng định đây là đóng góp quan trọng của BIDV trong quá trình phát triển đất nước. Qua báo cáo và thảo luận, quá trình cho vay cơ bản đã diễn ra theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, các khoản vay của BIDV cho các công trình BOT chưa có dự án nào nợ xấu, khả năng trả nợ tương đối tốt; BIDV cũng đã thực hiện các công tác trong giám sát việc thu phí, hoàn trả vốn của các nhà đầu tư….
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, việc phê duyệt các dự án BOT vẫn còn mang tính cục bộ ở từng ngành, địa phương, chưa có sự phát triển tổng hòa đối với các ngành khác. Qua việc triển khai cho vay vốn của BIDV thì việc lựa chọn các nhà thầu cần phải được nhìn rộng hơn, cần xây dựng tiêu chí chọn nhà thầu rõ ràng hơn cả về khả năng tài chính, thi công, vận hành…; phải xem xét được nội lực của các nhà đầu tư, qua đó giảm được các rủi ro trong quá trình đầu tư các công trình này; cần phải có một tiêu chí đánh giá rõ ràng, có chính sách hợp lý để hỗ trợ các ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho các dự án công trình theo hình thức BOT.
Ghi nhận những kiến nghị của BIDV, Trưởng Đoàn công tác số 2 Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc mua bảo hiểm khi khai thác đối với Dự án là một vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ, do đó sẽ trao đổi với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu vấn đề này; đồng thời đề nghị BIDV tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh lại bản Báo cáo và gửi lại Đoàn công tác để có cơ sở cho Đoàn giám sát chuyên đề trình Ủy ban thường vụ trong thời gian tới.