Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trình bày báo cáo Ảnh: Đình Nam
Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng và trình ban hành hoặc ban hành kịp thời các văn bản pháp luật để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tổ chức bộ máy, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị đã được thể hiện rõ ràng, cụ thể, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ giữa các đơn vị. Từ chỗ một việc giao cho nhiều đơn vị thực hiện nhưng không có đơn vị nào chịu trách nhiệm cụ thể chuyển sang một đơn vị có thể làm nhiều việc và một việc chỉ có thể giao cho một đơn vị chứ không thể giao cho nhiều đơn vị thực hiện như trước đây.
Nhận thức được tầm quan trọng của chủ trương tinh giản biên chế, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện rà soát, đánh giá biên chế của Ngân hàng Nhà nước giao cho các đơn vị, từ đó thực hiện cắt giảm biên chế trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước phù hợp với biên chế Bộ Nội vụ giao. Tính đến thời điểm 31/12/2016, biên chế thực hiện của Ngân hàng Nhà nước là 5314 người, thấp hơn 273 chỉ tiêu so với biên chế Ngân hàng Nhà nước đã giao cho các đơn vị và thấp hơn 358 chỉ tiêu so với biên chế Bộ Nội vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã nghiêm túc trong việc quản lý biên chế công chức hành chính, đảm bảo chỉ sử dụng trong phạm vi biên chế được Bộ Nội vụ giao; đồng thời, nghiêm túc quán triệt thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng, Chính phủ thông qua việc từng bước cắt giảm biên chế giao cho các đơn vị trực thuộc. Theo lộ trình từ nay đến năm 2021, biên chế của toàn hệ thống Ngân hàng Nhà nước năm 2021 sẽ giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể: Ngân hàng Nhà nước là cơ quan ngang Bộ có tính chất hoạt động đặc thù khác với các Bộ, ngành khác, do đó Ngân hàng Nhà nước có Luật chuyên ngành riêng quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức. Vì vậy, khi thực hiện chủ trương chung của Nhà nước về tổ chức bộ máy, Ngân hàng Nhà nước cũng còn có những khó khăn nhất định. Hơn nữa, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Ngân hàng Nhà nước còn chưa hiệu quả, thể hiện ở số trường hợp được tinh giản thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do một số công chức, viên chức và người lao động mong muốn được thực hiện chính sách tinh giản biên chế nhưng không thuộc đối tượng tinh giản biên chế; mức hỗ trợ đối với các đối tượng tinh giản biên chế chưa đủ hấp dẫn để công chức, viên chức và người lao động tự nguyện đề nghị được thực hiện tinh giản biên chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc
Đánh giá chung về báo cáo, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, báo cáo đã đưa ra một số đánh giá về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, những đánh giá này còn khá chung chung, thiếu phần so sánh, đánh giá về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo các mốc thời gian cụ thể, chưa nêu được một cách cụ thể những vấn đề còn vướng mắc, hạn chế nhất là về phía chủ quan của ngành.
Thảo luận tại buổi làm việc, một số thành viên Đoàn giám sát nhận định, thông báo 191-TB/TW ngày 01/9/2005 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “…tổ chức lại Ngân hàng Nhà nước với cơ cấu và tính chất hoạt động như một ngân hàng trung ương hiện đại, hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…” và Khoản 1 Điều 2 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 quy định vị trí chức năng của Ngân hàng Nhà nước là: “cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ việc tổ chức lại bộ máy Ngân hàng Nhà nước theo định hướng trên đã được thực hiện ra sao. Trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể hiện rõ sự phân tách giữa bộ máy điều hành và các đơn vị hoạt động nghiệp vụ, vẫn đồng nhất về cơ chế quản lý giữa các vụ tham mưu, tổng hợp với Sở giao dịch, các chi nhánh giao dịch- là các đơn vị hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng tiếp tục rà soát để phân cấp phân quyền, tăng sự tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp; thực hiện nghiêm túc chủ trương giảm cấp phó theo chủ trương của Chính phủ; thể hiện rõ hơn chủ trương tổ chức lại Ngân hàng Nhà nước với cơ cấu và tính chất hoạt động như một ngân hàng trung ương hiện đại …. và gửi lại cho Đoàn giám sát trước ngày 10/3.