Gia Lai là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có gần 50% số dân là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là 2 dân tộc Bahnar và J'rai, mặt bằng trình độ dân trí thấp, nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống sinh hoạt ở các buôn làng. Từ thực tế đó, tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đã triển khai thực hiện có kết quả các chính sách, pháp luật giảm nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực tập trung ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, cho hộ nghèo và cận nghèo. Các chương trình, mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ đã được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai đồng bộ với nội dung, giải pháp phù hợp, từng bước giải quyết được những nhu cầu cần thiết của người nghèo. Tư duy, cách thức làm ăn đối với hộ nghèo nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được thay đổi; nhiều hộ nghèo đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều tấm gương quyết tâm thoát nghèo vươn lên làm giàu xuất hiện ngày càng nhiều ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Mục tiêu của các chương trình giảm nghèo đã luôn hoàn thành và đạt so với kế hoạch đề ra, hiện nay trong toàn tỉnh không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn 19,98% (tiêu chí mới), bình quân mỗi năm giảm từ 3 - 4% (8.000 - 9.000 hộ).
Tuy nhiên, những khó khăn và tồn tại trong công tác giảm nghèo trên địa bàn là rất nhiều và cần có những giải pháp tháo gỡ, đó là việc giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nhiều hộ thoát nghèo nhưng còn nằm sát với mức chuẩn nghèo và dẫn đến nguy cơ tái nghèo còn cao (từ 5 - 8%/năm). Điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo còn nhiều hạn chế; đội ngũ y - bác sĩ chuyên khoa còn thiếu, đặc biệt là ở tuyến xã; công tác khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập. Việc làm cho người lao động, đặc biệt là người dân tộc thiểu số chưa thật sự bền vững; cơ cấu chuyển dịch cây trồng chậm, tỷ trọng lao động trong lao động nông nghiệp còn cao (69,1%), trong đó mới chỉ có gần 30% lực lượng lao động qua đào tạo. Còn hàng ngàn hộ nghèo đang ở nhà tạm, trên 20% số hộ nông thôn sử dụng nước chưa đạt quy chuẩn, trên 3% hộ nghèo đồng bào DTTS chưa được nghe đài, trên 8% số hộ chưa có máy thu hình...
Thông qua việc giám sát thực tế tại các cơ quan, địa phương, Đoàn giám sát của UBTVQH đánh giá cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo trong giai đoạn 2005 - 2012 của tỉnh Gia Lai. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm chỉnh về các chính sách giảm nghèo như về tín dụng, nhà ở, giáo dục (nâng cao dân trí), y tế, hỗ trợ sản xuất. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật có sự đầu tư chiều sâu và có chất lượng, 100% số xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm, hơn 90% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, các trường lớp học được xây dựng đến tận các buôn làng.
Đoàn giám sát cũng đã nêu lên một số vấn đề tồn tại trong công tác giảm nghèo để tỉnh tham khảo và xây dựng các giải pháp khắc phục có kết quả. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn ở mức cao và chưa bền vững, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông tin tuyên truyền chưa chú ý đến hiệu quả từ cơ sở, rào cản về ngôn ngữ bất đồng... Một số chương trình, dự án chưa được các cấp, các ngành quan tâm, công tác quản lý nhà nước về đất đai, con người... chưa được chặt chẽ.
Đoàn giám sát của UBTVQH cũng đã tiếp thu những kiến nghị của tỉnh về cơ chế chính sách, mở rộng phạm vi đầu tư các dự án cho các làng đặc biệt khó khăn, người dân thuộc hộ nghèo là dân tộc thiểu số cả khu vực I, chính sách về bảo hiểm y tế, chính sách nhà ở... Đồng thời đề nghị với các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường sức mạnh tổng hợp đối với mục tiêu giảm nghèo, quan tâm giải quyết những vấn đề khúc mắc gây nên nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú ý khâu tuyên truyền đến tận người dân cho dễ nghe, dễ hiểu và dễ làm.