Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng

14/10/2024

Chiều 14/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng. Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là nghiên cứu làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp mặt trưởng đoàn Nghị viện các nước

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng

Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cùng 26 đại biểu tiêu biểu dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng.

Vui mừng được gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số (DTTS) tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ cán bộ, người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh Cao Bằng về thăm Thủ đô Hà Nội và đến thăm Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương bày tỏ phấn khởi khi đội ngũ cán bộ DTTS của tỉnh ngày càng trẻ hóa.

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Cao Bằng nói chung và của đồng bào DTTS trong tỉnh nói riêng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo các cấp, các ngành cùng với nhân dân tỉnh Cao Bằng đã quyết liệt khắc phục hậu quả và những khó khăn sau cơn bão vừa qua để bước đầu ổn định đời sống nhân dân.

Quang cảnh cuộc gặp mặt

Kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân các dân tộc thay đổi đáng kể

Khẳng định Cao bằng là tỉnh địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, đã góp phần to lớn cùng với toàn dân tộc thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nơi đây là địa danh lịch sử, quê hương cội nguồn của cách mạng Việt Nam với nhiều di tích đặc biệt và truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc (như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An…). Bên cạnh đó, Cao Bằng có những cảnh quan nổi tiếng, thiên nhiên hùng vĩ như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao; văn hóa truyền thống giàu bản sắc của các DTTS (hát then, đàn tính của dân tộc Tày, Nùng), các lễ hội dân gian với trang phục đa sắc màu của các DTTS, văn hóa ẩm thực đặc sắc (bánh chưng, miến dong, hạt dẻ, thạch…) được biết đến và đã thu hút du khách trong, ngoài nước đến tham quan, thưởng thức.

Nhấn mạnh một số nét đặc thù của Cao Bằng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tỉnh có tỷ lệ người DTTS cao nhất cả nước (chiếm 94,24%); có tỷ lệ số xã khu vực III cao nhất cả nước (chiếm 77%); cùng với tỉnh Hà Giang, Nghệ An, là 03 tỉnh có số huyện biên giới cao nhất cả nước; cùng với Hà Giang, Điện Biên, là 03 tỉnh có số huyện nghèo cao nhất cả nước. “Với 4 cái “nhất” nêu trên đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, thách thức đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có tư duy và cách làm mới hơn, quyết liệt hơn với tâm cao hơn để khắc phục được các khó khăn này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc gặp mặt

Qua báo cáo của tỉnh cho thấy, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, tiến bộ, đời sống Nhân dân các dân tộc được đổi thay đáng kể. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỉnh đã khởi công và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai thi công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), đồng thời tập trung mọi nguồn lực khắc phục tốt hậu quả do cơn bão số 3 để ổn định đời sống nhân dân. Quốc phòng - an ninh được củng cố, biên giới quốc gia được giữ vững. Tỉnh đã xoá bỏ hoàn toàn tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, an ninh, trật tự được đảm bảo.

“Đến nay, 98,8% tỷ lệ xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hoá/bê tông hoá; 100% đường điện lưới đến trung tâm xã; 100% trạm y tế có bác sỹ; 86% dân cư thành thị được dùng nước sạch, 93,27% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; toàn tỉnh có 85% hộ gia đình, 59% làng, xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP. Chương trình hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát thực hiện đạt hiệu quả; đã hỗ trợ xóa hơn 2.600/7.121 căn nhà dột nát, giúp người nghèo an cư lạc nghiệp. Các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai theo hướng dẫn của Trung ương và phù hợp điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh”, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, trong những kết quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở, người có uy tín của tỉnh. Các đồng chí đã tích cực góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội; cùng các cấp ủy đảng, chính quyền tuyên truyền, vận động, động viên đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc, không để các đối tượng thù địch, phản động lôi kéo; vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS tích cực phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng làng bản, gia đình văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ người DTTS. “Đến hết năm 2023, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đạt 87% trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Đây cũng là tỉnh có tỷ lệ cao nhất trong 7 tỉnh có tỷ lệ DTTS trên 70% - thêm một cái nhất rất ấn tượng. Tỉnh đã bước đầu phát huy hiệu quả các Đề án về công tác cán bộ”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội dự cuộc gặp mặt

Làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và biểu dương những kết quả mà tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong thời gian qua; trân trọng cảm ơn những thành quả, sản phẩm, tư duy, cách làm của đội ngũ cán bộ DTTS ở cơ sở, người có uy tín của tỉnh Cao Bằng, tiêu biểu là 26 đại biểu có mặt tại cuộc gặp mặt, đã góp phần vào thành công chung của tỉnh Cao Bằng.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt mạnh, cơ sở hạ tầng của tỉnh Cao Bằng còn thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông; nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp; đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn mỗi sản phẩm của địa phương làm ra có giá trị gia tăng cao, đề nghị các cấp, các ngành cơ sở nghiên cứu tham mưu nội dung này.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tỉnh Cao Bằng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, nhiệm vụ công tác trọng tâm đã đề ra; trọng tâm là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng về công tác dân tộc; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCHTW Đảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng​

Thứ hai, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (hơn 5.000 nhà). Đồng thời Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần nghiên cứu thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáng chú ý làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kinh tế du lịch; làm mới động lực tăng trưởng về tiêu dùng; làm mới động lực tăng trưởng về xuất khẩu; nghiên cứu giao lưu biên giới - bản làng cho phù hợp; đặc biệt cần thúc đẩy hình thành các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ (kinh tế cửa khẩu)…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất của người dân, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp, kéo dài, tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân. Qua đó, góp phần giải quyết căn cơ yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào DTTS; đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho đồng bào, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống và trình độ phát triển so với những vùng khác. Khắc phục cho được tư tưởng ỷ lại chính sách, hỗ trợ của nhà nước; trước mắt, tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, chăm lo đời sống của người dân, không để thiếu đói, chuẩn bị cho Nhân dân đón Tết cổ truyền của dân tộc đủ đầy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm lãnh đạo tỉnh Cao Bằng

Thứ ba, thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển sản xuất; phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sinh kế cho người dân. Vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển.

Thứ tư, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân tộc, đảm bảo chế độ, chính sách đối với đồng bào DTTS, cán bộ DTTS ở cơ sở, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tiếng dân tộc cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo.

Thứ năm, chỉ đạo thật tốt để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng​ chụp ảnh lưu niệm

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò là “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân, là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế vững mạnh hơn. Mỗi một đại biểu sẽ không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống và tri thức có tinh thần đổi mới, ý chí vươn lên thoát nghèo; tin tưởng tuyệt đối ở Đảng và Nhà nước; không tin, không nghe những luận điệu tuyên truyền xấu độc của các thế lực thù địch; cùng xây dựng quê hương Cao Bằng ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.

Trước đó, báo cáo với lãnh đạo Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê giới thiệu một số nét khái quát về tình hình địa phương và đại diện lãnh đạo, cán bộ một số thôn bản, xã trên địa bàn tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Quốc hội.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc gặp mặt:

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng.

Quang cảnh cuộc gặp mặt

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc gặp mặt

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội dự cuộc gặp mặt

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê giới thiệu một số nét khái quát về tình hình địa phương

Đại diện lãnh đạo, cán bộ một số thôn bản, xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nêu một số đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng​./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác