XÂY DỰNG QUẢNG NINH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THÀNH CỰC TĂNG TRƯỞNG VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ

25/08/2022

Làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thành bộ phận quan trọng của hành lang kinh tế dải ven biển vịnh Bắc Bộ, cực tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Quan tâm đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng bên cạnh du lịch, Quảng Ninh cần phát triển mạnh mẽ các trung tâm công nghiệp lấy các ngành công nghiệp công nghệ cao làm trọng tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với tỉnh Quảng Ninh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với tỉnh Quảng Ninh

Tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Quảng Ninh cần quan tâm, có giải pháp để tháo gỡ tình trạng mất cân đối về cung cấp dịch vụ lưu trú chất lượng cao trong phát triển du lịch và dịch vụ biển; nâng cao tỷ lệ đóng góp GRDP của kinh tế hàng hải, tăng doanh thu dịch vụ cảng biển, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng. Tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, khu kinh tế biển, khu công nghiệp ven biển; khắc phục tình trạng tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp còn thấp; quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản không để ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân…

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với vị trí "tiền đồn biên giới" cả trên đất liền và trên biển, Quảng Ninh có vị thế trọng yếu trong phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên - môi trường biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.  Do đó, với những thế mạnh về biển, đảo được thiên nhiên ưu đãi, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quảng Ninh tiếp tục phát triển để cùng với Hải Phòng trở thành bộ phận quan trọng của hành lang kinh tế dải ven biển vịnh Bắc Bộ, cực tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trước đó, trong chuyến thăm Quảng Ninh đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận những nỗ lực của Quảng Ninh và đánh giá cao công tác thực hiện quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, quy hoạch “một tâm, hai tuyến, đa chiều” đã hình thành và chứng minh sự đúng đắn, góp phần kết nối hành lang kinh tế đông-tây, tạo kết nối vùng, phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước, cùng với Hải Phòng đã trở thành cực tăng trưởng mới; đồng thời Quảng Ninh xác định ba đột phá chiến lược, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước và đã làm rất tốt việc này, mang lại hiệu quả tích cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Quảng Ninh

Bàn về định hướng phát triển tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, Quảng Ninh là địa phương luôn được cả nước đánh giá cao và học hỏi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác quy hoạch chiến lược với sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu quốc tế đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững trong hơn 10 năm qua. Điều này khẳng định mô hình quản trị, quản lý và tư duy của các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn đi trước. Tuy nhiên, quan điểm, mục tiêu, phương pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 cần được tính toán, bổ sung thêm trên cơ sở cập nhật bối cảnh tình hình hiện nay. Theo đó, các thiết kế đưa ra cần có bản sắc riêng và xây dựng các tiêu chí phải ở mức cao hơn, mang tầm quốc gia, quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 là tiếp tục tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng bền vững, tạo tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh, phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền bắc và cả nước, đáp ứng mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng sống đô thị thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững.

Quan tâm đến vấn đề phát triển tỉnh Quảng Ninh, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho biết, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp đang tăng lên cả về số lượng và quy mô nửa đầu năm nay tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Trong đó, nhu cầu thuê đất có mức tăng trưởng 10%, nhu cầu thuê nhà xưởng/nhà kho xây sẵn tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Về quy mô, diện tích trung bình khách thuê yêu cầu đối với đất tăng lên mức 9,4ha so với mức 9,2ha so với cùng kỳ năm ngoái. Ở loại hình nhà xưởng/nhà kho xây sẵn tăng lên mức 6.700m2 so với 6.100m2 vào năm 2021. Hiện nay, các khu công nghiệp phía Bắc đang thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn phía Nam. Nguyên nhân là bởi cơ sở hạ tầng giao thông khu vực phía Bắc đã hoàn thiện hơn so với phía Nam. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đang nổi lên với việc thông tuyến cao tốc Vân Đồn- Móng Cái (Quảng Ninh) từ 01/9/2022, giúp việc di chuyển từ Hà Nội - Móng Cái còn 3 giờ, thay vì 6 giờ như hiện nay.

Bắt nhịp xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Quảng Ninh cũng đang chuyển đổi từ một tỉnh lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn sang một trung tâm công nghiệp lấy các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất ô tô và thiết bị điện tử làm trọng tâm.

Chia sẻ về khía cạnh lao động, Giám đốc khu vực Miền Bắc của Navigos Group Ngô Thị Ngọc Lan cho biết, Quảng Ninh có lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu lao động trẻ (dân số trong độ tuổi lao động 15 - 64 tuổi chiếm 67%) và năng suất lao động cao. Chất lượng của lao động những năm gần đây cũng từng bước được cải thiện; lao động qua đào tạo phần nào đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Nhu cầu lao động dự kiến ​​sẽ tăng đáng kể do nhiều công ty sản xuất sẽ sớm đi vào hoạt động trong vài năm tới. Cơ cấu lao động dự kiến ​​sẽ thay đổi nhờ chuyển dịch lao động từ các lĩnh vực khác như nông nghiệp, du lịch sang các ngành sản xuất.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh Châu Thành Hưng

Để thu hút các nhà đầu tư, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh Châu Thành Hưng cho biết, do Khu công nghiệp DEEP C tổ chức ngày 24/08/2022, tỉnh đang ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, như: các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội, Hải Phòng, các cảng biển lớn, sân bay quốc tế đều đã đi vào hoạt động. Hệ thống đường cao tốc này liên kết chặt chẽ các cực tăng trưởng phía Bắc với nhau: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời kết nối miền Bắc Việt Nam với miền Nam Trung Quốc.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang phát triển các tổ hợp cảng biển - khu công nghiệp với 2 dự án quan trọng là Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và Khu công nghiệp Nam Tiền Phong (DEEP C Quảng Ninh) tại Khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Các cảng biển xây dựng trong DEEP C Quảng Ninh sẽ kết nối trực tiếp với cảng biển nước sâu Lạch Huyện tại Hải Phòng, thông qua sông Chanh với dự án nạo vét sông Chanh.

Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, các tổ hợp cảng biển-khu công nghiệp này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển nội địa, thúc đẩy phát triển logistics tại khu vực và được kỳ vọng là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh đối với nhà đầu tư.

Minh Hùng

Các bài viết khác