XÂY DỰNG LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ: QUY ĐỊNH CỤ THỂ HƠN CÁC HÌNH CÔNG THỨC CÔNG KHAI THÔNG TIN

25/08/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, dự thảo Luật lần này đã quy định cụ thể hơn về các hình thức công khai thông tin và bảo đảm để Nhân dân có khả năng tiếp cận được các thông tin đã được công khai một cách thực chất.

 

Phát huy vai trò của người dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và cơ quan công quyền

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8

Bảo đảm Nhân dân tiếp cận các thông tin đã được công khai một cách thực chất

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, về việc cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành và thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định liên quan đến việc công khai thông tin để dân biết ở tất cả các loại hình, làm cơ sở để người dân thực hiện quyền làm chủ ở cơ sở. Cụ thể, trong việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nội dung công khai, bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành có liên quan; bổ sung, chỉnh lý lại quy định về công khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, nội dung lấy ý kiến, kết quả tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề mà chính quyền địa phương đưa ra lấy ý kiến Nhân dân cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể hơn về các hình thức công khai thông tin và bảo đảm để Nhân dân có khả năng tiếp cận được các thông tin đã được công khai một cách thực chất, ví dụ như: công khai thông tin thông qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để thông báo đến công dân; gửi văn bản đến công dân; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua mạng xã hội được hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố...

Trong việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về nội dung, hình thức, thời điểm công khai thông tin tại cơ quan, đơn vị;  quy định rõ hơn về vai trò của Công đoàn tại cơ quan, đơn vị trong việc báo cáo làm rõ kết quả giám sát, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tiếp tục công khai, làm rõ những nội dung mà cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quan tâm. Đối với việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, trên cơ sở rà soát lại các quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về nội dung, hình thức công khai thông tin ở tổ chức có sử dụng lao động để bảo đảm thống nhất, đồng bộ và tính khả thi.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Bảo đảm dân chủ, không ảnh hưởng đến việc thể hiện quan điểm cá nhân của công dân

Về những nội dung Nhân dân bàn, quyết định, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về việc tổ chức để Nhân dân bàn, Nhân dân quyết định các vấn đề ở cơ sở thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Do số lượng dân của thôn, tổ dân phố quá đông nên phần lớn các thôn, tổ dân phố trong cả nước không đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức việc họp toàn thể cử tri trên địa bàn; ngay cả việc tổ chức họp đại diện hộ gia đình cũng có nơi khó thực hiện được. Địa bàn nhiều thôn, tổ dân phố quá rộng cũng làm cho việc tổ chức, tham gia hội họp, lấy ý kiến cử tri mất rất nhiều thời gian, công sức. Bởi vậy, trừ trường hợp pháp luật quy định rõ là cần lấy ý kiến hay biểu quyết của toàn thể cử tri trên địa bàn, còn phần lớn các trường hợp, địa phương chỉ tổ chức họp hoặc lấy ý kiến của đại diện các hộ gia đình khi bàn, tham gia ý kiến hoặc quyết định các vấn đề của địa phương, của cộng đồng.

Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương thực hiện thống nhất, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị trong dự thảo Luật quy định Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại Luật này bằng một trong các hình thức như tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố với thành phần tham dự gồm đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố; trường hợp thôn, tổ dân phố có từ 200 hộ gia đình trở lên, có địa bàn dân cư sinh sống không tập trung thì có thể tổ chức các cuộc họp theo từng cụm dân cư để bàn bạc, thảo luận về các vấn đề của cấp xã, của thôn, tổ dân phố. Phát phiếu biểu quyết, lấy ý kiến tới từng hộ gia đình trong trường hợp không tổ chức cuộc họp thôn, tổ dân phố hoặc trường hợp cuộc họp chưa có đủ đại diện của số hộ gia đình tham dự. Trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định các vấn đề của thôn, tổ dân phố, như phải lấy ý kiến của toàn thể cử tri trên địa bàn về một số nội dung cụ thể thì thực hiện theo quy định đó.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quy định nêu trên có tính khả thi, phù hợp hơn với quy mô tổ chức các thôn, tổ dân phố hiện nay, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không gây nhầm lẫn, trùng lặp với quy định của các luật khác. Đối với những trường hợp pháp luật có quy định khác về việc tổ chức để Nhân dân bàn, quyết định các vấn đề của thôn, tổ dân phố thì thực hiện theo quy định đó, nên vẫn bảo đảm dân chủ, không ảnh hưởng đến việc thể hiện ý kiến, quan điểm cá nhân của công dân hoặc đối với các nội dung cần phải có ý kiến toàn thể, không mâu thuẫn, chồng chéo với pháp luật khác. Đối với tỷ lệ đồng thuận để quyết định của cộng đồng dân cư có hiệu lực thi hành, dự thảo Luật đã phân định rõ một số trường hợp quyết định của cộng đồng dân cư chỉ được thông qua khi có từ 2/3 tổng số hộ gia đình trở lên tán thành để tăng tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư, bảo đảm cho việc thực hiện các quy định của cộng đồng dân cư trên thực tế. Đối với các trường hợp còn lại thì quyết định của cộng đồng dân cư được thông qua khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trở lên trong thôn, tổ dân phố tán thành. Xác định cụ thể tỷ lệ tán thành để thông qua các quyết định của cộng đồng dân cư có phạm vi trong toàn địa bàn cấp xã.

Nhân dân được bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Về những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung Nhân dân tham gia ý kiến về dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn cho phù hợp với quy định của Luật Xây dựng; thể hiện đầy đủ và làm rõ nhóm các nội dung liên quan đến dự thảo kế hoạch triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã để phù hợp với quy định của Luật Đất đai; bổ sung trường hợp pháp luật có quy định khác về hình thức lấy ý kiến của Nhân dân thì thực hiện theo quy định của pháp luật đó. Đồng thời bổ sung hình thức công khai thông tin để Nhân dân có điều kiện tham gia ý kiến…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã làm rõ việc công khai nội dung kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến; bổ sung hình thức tham gia ý kiến thông qua Công đoàn và các tổ chức đoàn thể khác tại cơ quan, đơn vị để nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức này trong việc phối hợp thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị. Dự thảo Luật cũng chỉnh lý, làm rõ nội dung người lao động được tham gia ý kiến về đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và dự thảo nghị quyết hội nghị của người lao động cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; bổ sung hình thức khác theo quy định của pháp luật mà người lao động có thể sử dụng để tham gia ý kiến nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt với đặc thù quản trị của mỗi tổ chức có sử dụng lao động.

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Nhân dân được bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước, của địa phương và ở cộng đồng dân cư nơi sinh sống; thành quả đổi mới, phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nơi làm việc; được cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt ở cộng đồng dân cư. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể những nội dung Nhân dân kiểm tra, Nhân dân giám sát. Theo dự kiến chương trình, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV./.

Minh Thành

Các bài viết khác