Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Tuyên Quang cần tiếp tục coi giáo dục và đào tạo, giáo dục con người là gốc rễ, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển trong tương lai; đồng thời, tập trung cao độ thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Ngày 30.7, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Dân tộc đã làm việc với tỉnh Tuyên Quang về tình hình, kết quả phát triển giáo dục và đào tạo đến hết năm học 2021 - 2022 và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo trên địa bàn. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đồng chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, những năm vừa qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân, góp phần quan trọng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh.
Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có những chuyển biến tích cực. Điểm bình quân kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh từng bước được cải thiện vững chắc (năm 2022, Tuyên Quang xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 4/14 tỉnh miền núi phía Bắc). Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ cao hơn bình quân của cả nước; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Trường Đại học Tân Trào từng bước nâng cao chất lượng, uy tín trong đào tạo và nghiên cứu khoa học…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc
Tuy nhiên, do địa hình của tỉnh chủ yếu là đồi, núi, chia cắt, dân cư không tập trung nên mạng lưới điểm trường lẻ còn nhiều (mầm non: 517 điểm; tiểu học: 290 điểm); tỷ lệ phòng học/lớp cấp tiểu học chỉ đạt 0,9 (toàn quốc là 0,98); toàn tỉnh hiện còn thiếu 133 phòng học cấp mầm non, 175 phòng học cấp tiểu học. Tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học còn thấp, hiện chỉ đạt 60% (toàn quốc là 70,5%); tỉ lệ thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp (cấp mầm non đáp ứng được 60%, tiểu học 46%, THCS 39%, THPT 40%).
Về đội ngũ nhà giáo, số lượng người làm việc được giao ở các cấp học trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn so với nhu cầu và định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tỷ lệ giáo viên/lớp cấp mầm non đạt bình quân 1,86; tiểu học 1,33; THCS 1,65; THPT 2,03).
Năm học 2022 - 2023, số lượng người làm việc còn thiếu so với nhu cầu và định mức quy định là 5.491 (Mầm non thiếu 3.204 người; tiểu học thiếu 771 người; THCS thiếu 1.212 người; THPT thiếu 304 người). Do thiếu giáo viên nên hiện nay, toàn tỉnh chưa bổ nhiệm 258 phó hiệu trưởng (mầm non 72 người; tiểu học 62 người; THCS 124 người) để ưu tiên tuyển dụng giáo viên đứng lớp.
Tỷ lệ giáo viên mầm non công lập hợp đồng chiếm gần 50% tổng số giáo viên có mặt (chủ yếu là giáo viên hợp đồng theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg) nên ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra, tỉnh còn thiếu nguồn giáo viên Tiếng Anh và Tin học để tuyển dụng thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới do thiếu chỉ tiêu biên chế và thiếu nguồn tuyển.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm mong muốn thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương trong thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh
Tỷ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học thấp nên việc thực hiện học 2 buổi/ngày từ năm học 2022 - 2023 rất khó khăn. Từ năm học 2022 - 2023, thực hiện Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 3.7.2022 của HĐND tỉnh, khi các cơ sở giáo dục tiểu học không được phép thu tiền để dạy học buổi 2 thì tỷ lệ học 2 buổi/ngày của tỉnh chỉ còn dưới 10%. Do đó, nếu ngân sách nhà nước không hỗ trợ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy học cấp tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018…
Tuyên Quang đề nghị Chính phủ bổ sung nguồn kinh phí cho tỉnh Tuyên Quang thực hiện tiểu Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ nguồn vốn ODA để phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn trong giai đoạn tiếp theo.
Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang
Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Chính phủ có cơ chế ưu tiên bố trí nguồn vốn riêng cho Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29.10.2018. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung đủ số người làm việc còn thiếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục của tỉnh do tăng số lớp, tăng số học sinh; hoặc cấp kinh phí hỗ trợ theo định mức biên chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo để các cơ sở giáo dục công lập hợp đồng thêm người làm việc hoặc chi tiền dạy thêm giờ cho giáo viên theo quy định, đặc biệt để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học và dạy Tiếng Anh, Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của Tuyên Quang. Đoàn công tác cũng đi thăm một số cơ sở giáo dục và di tích trên địa bàn tỉnh.