CÒN TÌNH TRẠNG BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ TRONG VIỆC TỰ Ý CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT HOẶC ĐẤT KHÔNG ĐƯA VÀO SỬ DỤNG GÂY LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC

30/07/2022

Rà soát kết quả bước đầu về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ Công tác thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy, nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý hoặc lúng túng, chậm trễ trong việc xử lý việc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; còn tình trạng nhiều dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng…gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì làm việc với UBND Tp.Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Rà soát kết quả bước đầu về thông tin các công trình, dự án không đưa đất vào sử dụng đất, chậm đưa đất vào sử dụng tại một số địa phương, đại diện Tổ Công tác thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam nhận thấy, có một số dự án địa phương báo cáo Tổ công tác nhưng không có thông tin trong danh mục báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nhất là về việc sử dụng đất sai mục đích, về đất không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng… Tổ Công tác cho biết, việc quản lý các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai còn chưa đủ thông tin để quản lý, quản trị vĩ mô, tổng thể trên phạm vi cả nước, do đó cần có giải pháp khắc phục.

Về việc đất sử dụng sai mục đích

Đại diện Tổ Công tác nêu rõ, theo báo cáo, nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý hoặc lúng túng, chậm trễ trong việc xử lý tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản; nhất là chuyển đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản nước mặn không theo quy hoạch, thiếu các điều kiện hạ tầng, gây ô nhiễm môi trường và mặn hóa diện tích trồng lúa, ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất nông nghiệp tại các khu vực lân cận phải bỏ hóa đất đai. Một số địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ cơ chế cho thuê đất đối với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng để cho thuê lại mà vẫn do UBND cấp tỉnh giao đất trực tiếp cho từng người sử dụng đất. Chế tài xử lý vi phạm còn yếu, chưa đủ sức răn đe; các giải pháp, biện pháp xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả. Từ đó dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích; đất đai không được sử dụng; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên lãng phí, thất thoát.

Bên cạnh đó, hệ thống hồ sơ địa chính của nhiều địa phương vẫn chưa được lập đầy đủ; nhiều nơi đã đo đạc lại để lập bản đồ địa chính nhưng chưa lập lại sổ sách địa chính và cấp đổi lại giấy chứng nhận; việc chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định.

Tổ Công tác cho rằng, những hạn chế này không chỉ gây khó khăn cho quản lý đất đai mà còn ảnh hưởng đến việc thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ phục vụ quản lý, đề nghị Bộ TN&MT xem xét và có giải pháp khắc phục.

Từ những hạn chế nêu trên, Tổ Công tác cũng chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do người sử dụng đất tự khai khoang, phá rừng hoặc tự chuyển đổi mục đích từ loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn trong nhóm đất nông nghiệp và do nhu cầu về nhà ở của người dân nên đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không làm thủ tục chuyển mục đích theo quy định; nhiều trường hợp giao đất cho hộ gia đình cá nhân để trồng, khoanh nuôi phát triển rừng ở các tỉnh miền núi, trung du nhưng vẫn sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đúng quy định nhưng do chưa cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính dẫn đến tình trạng sai khác. Tại một số địa phương, việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính còn chưa cao.

Về đất không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, Tổ Công tác cho biết, qua kiểm kê, thống kê đất đai, vẫn còn tình trạng nhiều dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai, châm đưa đất vào sử dụng; công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện dự án chậm triển khai, không đưa đất vào sử dụng tại địa phương còn chưa được chú trọng, còn ít và chưa hiệu quả; chế tài xử lý vi phạm còn yếu, chưa đủ sức răn đe; các giải pháp, biện pháp xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả… gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Tổ Công tác thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy, thực tiễn vẫn còn tình trạng trên là do nhiều vướng mắc, hạn chế, trong đó hạn chế từ phía cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương như: (1) Việc thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư chưa chặt chẽ; (2) Chưa kịp thời, kiên quyết trong việc rà soát, kiểm tra, xử lý đối với các dự án có vi phạm về chậm tiến độ sử dụng đất; (3) Cho phép điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh tiến độ dự án đầu tư nhiều lần; (4) Chưa tích cực chỉ đạo thực hiện và phối hợp với chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng; (5) Chưa quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục về đầu tư để triển khai thực hiện dự án, sớm đưa đất vào sử dụng; (6) Việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vừa là cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất nhưng cũng đồng thời là cơ quan có thẩm quyền xem xét thu hồi đất do vi phạm chậm tiến độ cũng không đảm bảo tính khách quan; (7) Chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật đất đai trong việc kiểm tra, rà soát các dự án sau khi được giao đất, cho thuê đất để phát hiện, xử lý kịp thời các dự án chậm.

Ngoài ra, công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm. Các vấn đề mang tính liên ngành, như: quy hoạch, khôi phục và phát triển rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh. Tổ Công tác nhận thấy, việc các ngành tự xây dựng các quy hoạch của riêng mình mà thiếu sự điều phối chung, thiếu phối hợp có nguy cơ dẫn đến sự phân tán, thiếu đồng bộ, nhất quán; có khả năng gây xung đột trong khai thác, sử dụng nước, làm gia tăng nguy cơ thiếu nước và ô nhiễm môi trường nước mặt.

Tổ Công tác cho rằng, những tồn tại, hạn chế này cần được đánh giá cụ thể, đầy đủ, xác định rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân cả về chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện để đề ra những giải pháp khắc phục.

Từ kết quả rà soát nêu trên, Tổ Công tác đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp cung cấp nội dung, thông tin, số liệu báo cáo của Bộ đến nay chưa đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Đồng thời đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với Đoàn giám sát rà soát, so sánh, đối chiếu các thông tin, số liệu THTK,CLP theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến lĩnh vực phân công quản lý của Bộ phục vụ hoạt động giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương.

Đề nghị Bộ TN&MT bố trí nhân sự phối hợp tham gia rà soát, đối chiếu trong quá trình dự thảo và hoàn thiện Báo cáo giám sát chung để đảm bảo các nhận xét, đánh giá, kiến nghị về THTK,CLP trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên và môi trường thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý của Bộ TN &MT được phản ánh trung thực, đầy đủ, khách quan, phù hợp và khả thi.

Cho phép Đoàn Giám sát được sử dụng kết quả tổng hợp thông tin theo yêu cầu trên để biên tập thành 01 Phụ lục Báo cáo giám sát. Theo đó, những thông tin về những sai sót, vướng mắc, tồn tại, hạn chế còn tồn đọng đến 31/12/2021 và đến giai đoạn hiện nay được Bộ TN&MT báo cáo bổ sung sẽ là dữ liệu được kiến nghị các Bộ, ngành địa phương có trách nhiệm tiếp tục giải quyết trong thời gian sắp tới./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác