QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THANH TRA VIÊN VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN THANH TRA THEO CẤP HÀNH CHÍNH

18/04/2022

Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) của Chính phủ nêu rõ, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật lần này là quy định cụ thể về thanh tra viên và tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính.

 

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ do Ủy ban Pháp luật tổ chức, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, qua quá trình nghiên cứu, soạn thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quán triệt những quan điểm, nguyên tắc sau: Quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra trên cơ sở tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Liên quan đến nội dung về Thanh tra viên, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, dự thảo Luật thiết kế một chương quy định về Thanh tra viên. Trong đó quy định: Thanh tra viên là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện các nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật. Các ngạch Thanh tra viên bao gồm Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp. Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên cao cấp. Thanh tra viên và Thanh tra viên chính do Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm theo thẩm quyền quản lý công chức. Thanh tra viên phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thanh tra viên được cấp trang phục thanh tra, thẻ thanh tra.

Đối với những ngành, lĩnh vực đặc thù có cơ quan thanh tra được thành lập theo quy định của luật chuyên ngành hoặc Điều ước quốc tế thì việc bổ nhiệm thanh tra viên do Chính phủ quy định.

Các quy định về tiêu chuẩn đối với Thanh tra viên nhằm nâng cao chất lượng công chức thanh tra. Cùng với việc hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra và việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, ngành thanh tra hướng tới xây dựng đội ngũ công chức thanh tra chính quy, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Liên quan đến tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Dự thảo Luật Thanh tra kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện. Cụ thể:

Thanh tra Chính phủ: là cơ quan của Chính phủ, thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tỉnh: là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chịu sự chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra huyện: là cơ quan của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra huyện chịu sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và chịu sự chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh.

Ngoài ra, các quy định về hoạt động thanh tra cũng được sửa đổi theo hướng quy định các bước tiến hành thanh tra chặt chẽ, cụ thể, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát và phân biệt với các hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. /.

Hồ Hương