CẦN ĐƠN GIẢN HOÁ THỦ TỤC ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN

14/03/2022

Xem xét và cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 02/2022 của Quốc hội tại Phiên họp thứ 9, các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có hướng dẫn phù hợp, đơn giản hoá các thủ tục để vừa quản lý hiệu quả, vừa tạo thuận lợi cho người nhiễm COVID-19 nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân.

 

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình báo cáo công tác dân nguyện tháng 02/2022

Báo cáo về công tác dân nguyện tháng 02/2022, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao hành động tích cực, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine đã hỗ trợ đồng bào người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng chiến sự và tổ chức đưa về nước những người có nhu cầu; sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp với số ca nhiễm liên tục tăng cao. Theo đó, thời gian qua, số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng cao, nhu cầu tự xét nghiệm của người dân tăng đột biến khiến thị trường kit xét nghiệm nhanh COVID-19 trở nên khan hiếm, dẫn đến về tình trạng “loạn giá” kit xét nghiệm nhanh COVID-19. Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus “xách tay” từ Nga, Trung Quốc… về Việt Nam không được kiểm chứng về khả năng phòng, chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả COVID-19. Tại một số địa phương, nhiều người bệnh không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời nên đã tự mua thuốc điều trị COVID-19, tự điều trị theo các kiến thức truyền miệng hoặc tra cứu trên mạng.

Đặc biệt, việc khai báo y tế khi bị nhiễm COVID-19, việc cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh của người dân cũng gặp khó khăn do trạm y tế cơ sở quá tải, quy trình xác định, chứng nhận đối với các trường hợp mắc COVID-19 còn chưa thật sự khoa học, linh hoạt, còn máy móc chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, với số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng cao khiến các trường hợp tiếp xúc gần (F1) phải nghỉ việc, cách ly tại nhà dẫn đến tình trạng thiếu lao động, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ sở sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trong học sinh, giáo viên tại trường học sau khi tổ chức học trực tiếp đã gia tăng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và học tập.

Thảo luận về nội dung này, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với nội dung báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, đầu tư nhiều công sức, đến nay công tác dân nguyện đã ngày càng nâng cao hiệu quả. Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tháo gỡ một số vướng mắc để tạo điều kiện cho người dân trong việc việc xin giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động mắc COVID-19 điều trị tại nhà, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường quản lý việc nâng giá kit xét nghiệm nhanh COVID-19, nhập lậu thuốc điều trị COVID-19, tăng cường kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá bán bất hợp lý. Ngoài ra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống dịch giai đoạn 2022 - 2023, với rất nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như giá kit xét nghiệm, việc mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3 như thế nào, dạy và học trong bối cảnh có nhiều F0…

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 02/2022

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt hiện nay cần phải nghiên cứu để có hướng dẫn phù hợp đối với trường hợp người F0 điều trị tại nhà, cần đơn giản hóa thủ tục để vẫn quản lý được nhưng tạo thuận lợi cho người mắc COVID. Khẳng định vấn đề hiện nay cử tri rất bức xúc nhưng chưa được giải quyết ổn thoả là việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị F0 tại nhà, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh, vấn đề này không phải là vấn đề mới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến nhưng hiện nay vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để.

Theo đó, trong điều kiện F0 điều trị tại nhà, giấy chứng nhận của cơ sở y tế cấp huyện không phù hợp theo quy định của luật. Hướng dẫn theo đúng luật là phải có xác nhận của y tế cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền mới đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội. Thế nhưng mặt khác, theo quy định hiện nay, F0 lại được hướng dẫn không khuyến khích đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh mà điều trị tại nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm cho nên người F0 xin được giấy chứng nhận là rất khó khăn, bác sĩ cũng không thể cấp được trong số lượng như hiện nay. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cần phải hết sức quan tâm đến vấn đề này bởi đó là quyền và lợi ích của người nhiễm COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm mới ngày càng tăng cao.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, từ ngày 15/3, Việt Nam dỡ bỏ các hạn chế về chuyến bay quốc tế, đưa người Việt Nam đang ở nước ngoài về nước cũng như mở cửa du lịch, cho nên số ca nhiễm mới COVID-19 còn có thể tăng cao, do đó cần phải có hướng dẫn kịp thời hơn nữa của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó cũng cần làm rõ để có hướng dẫn thống nhất việc F1 có phải cách ly nữa không ? F0, F1 đi làm thì phải đáp ứng những điều kiện gì? Ngoài ra nếu F1 vẫn phải cách ly tại nhà thì việc hưởng bảo hiểm xã hội như thế nào? trong một số trường hợp người bệnh không làm việc được thì vẫn phải nghỉ, nghỉ thì có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hay không ?

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế quy định mua thuốc điều trị đặc trị COVID-19 phải có đơn kê từ bác sĩ là đúng quy định, tuy nhiên, trong bối cảnh F0 chủ yếu điều trị tại nhà và không tiếp cận được đơn thuốc của bác sĩ, quy định phải có đơn thuốc mới được mua sẽ rất vướng và gây khó khăn cho người dân. Nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay phải nghiên cứu để có hướng dẫn phù hợp đối với trường hợp người bệnh F0 điều trị tại nhà cần mua thuốc, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng có thể đơn giản hóa thủ tục để vẫn quản lý được người bệnh nhưng vẫn tạo thuận lợi cho người bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, bày tỏ đồng tình với những vướng mắc liên quan tới tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã phát biểu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, chương trình tổng thể về phòng, chống dịch 2022-2023 chưa được ban hành. Trong khi đó, nhìn tổng thể vẫn còn nhiều vấn đề đang tồn tại với nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như giá kit xét nghiệm, việc mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3 như thế nào, dạy và học trong bối cảnh có nhiều F0… 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện cần tiếp thu để hoàn thiện các kiến nghị cụ thể. Trong đó, đặc biệt là kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chương trình tổng thể về phòng, chống dịch của giai đoạn 2022-2023 theo Kết luận của Trung ương và theo Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung phiên họp

Trước những vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang tồn tại, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Ban Dân nguyện kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp quyết liệt, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, nâng giá kit xét nghiệm nhanh COVID-19, nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, tăng cường kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá bán bất hợp lý. Cùng với đó chỉ đạo Bộ Y tế sớm có hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để mua thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà; xác nhận nhiễm COVID-19 và cấp giấy chứng nhận đã khỏi bệnh cho người dân.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo, nhất là phần kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị sớm ban hành chương trình phòng, chống dịch bệnh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết hợp 2 chương trình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch./.

Minh Thành