ĐỀ XUẤT F0 ĐI LÀM PHẢI GẮN LIỀN VỚI VIỆC THẮT CHẶT CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH TẠI NƠI LÀM VIỆC

14/03/2022

Chia sẻ về đề xuất cho F0 không triệu chứng, F1 đi làm, các chuyên gia y tế cho rằng nới lỏng quy định không đồng nghĩa với buông xuôi, mà ngược lại, việc đưa F0, F1 đi làm cần gắn liền với việc thắt chặt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại nơi làm việc.

 

Bộ Y tế đề xuất F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (7 ngày từ ngày dương tính và chưa âm tính), được tự nguyện tham gia làm việc

Trong bối cảnh bình thường mới và nhiều biện pháp phòng chống dịch được triển khai liên tục, việc thay đổi chính sách phòng dịch cũng trở nên linh hoạt hơn. Ngày 05/3 vừa qua, Bộ Y tế đã đề xuất đối với trường hợp F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K. Trong trường hợp này, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.

Cũng theo đề xuất của Bộ Y tế, những người là F1 nhưng chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Dựa trên tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và đặc biệt là báo cáo và đề xuất "Công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19" của Bộ Y tế ngày 05/3, tỉnh Long An đã quyết định cho F0 không triệu chứng, F1 đi làm với sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan đơn vị.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng đây là quyết định hợp lý. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Việt Nam đã có tỷ lệ tiêm vắc xin ở mức cao, nhiều người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Từ cơ sở trên, chúng ta đã chuyển hướng chiến lược từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch bệnh; chuyển từ trạng thái hạn chế đi lại và tổ chức các hoạt động tập trung sang hướng kiểm soát rủi ro; chuyển hướng từ cách ly tập trung sang cách ly tại nhà, chuẩn bị các nguồn lực và điều kiện để tổ chức điều trị F0 tại nhà… Ở đây, việc đưa ra những quy định thông thoáng hơn cũng nằm trong bước chuyển hướng chiến lược như vậy.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng việc cho F0, F1 đi làm cần gắn liền với việc thắt chặt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại nơi làm việc

Cho rằng về mặt sức khỏe, các F0 không triệu chứng có đủ sức khỏe để tiếp tục công việc, tuy nhiên PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, khi đã có sự nới lỏng về quy định, sẽ có thể xuất hiện thêm các ca F0 và các trường hợp F1, dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ y tế, các cơ quan xí nghiệp cũng thiếu người lao động, đặc biệt là người làm trong các khâu trọng yếu. Vì vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, nới lỏng quy địn không đồng nghĩa với buông lỏng, mà phải gắn liền với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp dự phòng trên tinh thần tự nguyện của các F0, mỗi cơ quan, xí nghiệp cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp với F0 đi làm. Người đứng đầu phải có những quy định, những hướng dẫn cụ thể để vừa đảm bảo được công tác phòng bệnh, giữ an toàn cho toàn thể nhân viên, vừa duy trì lao động, sản xuất.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, các nước thế giới hiện đang dùng nhiều mô hình chống dịch khác nhau, một số nước đã thực hiện nới lỏng việc cách ly cho F0, không thực hiện xét nghiệm, thậm chí để F0 đi làm như với người bình thường. Bên cạnh đó, một số nước khác cho phép F0 đi làm nhưng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc, đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát rủi ro. Một số nước đi theo mô hình thận trọng hơn, thực hiện cách ly triệt để dài ngày và không để bệnh nhân đi làm.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, mô hình phù hợp cho Việt Nam là linh hoạt cho F0 không triệu chứng được tham gia làm việc, đặc biệt là các trường hợp nhân sự trọng yếu, tuy nhiên việc đưa bệnh nhân đi làm cần gắn liền với việc thắt chặt các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại nơi làm việc. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý, việc lựa chọn phương án, tỷ lệ nhân sự đi làm, chuẩn bị các biện pháp dự phòng, tùy thuộc vào người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đây là việc quan trọng cần suy tính kỹ lưỡng và rõ ràng, cần có các biện pháp linh hoạt ngay từ các cơ sở, các cơ quan, đơn vị để giúp đảm bảo an toàn phòng dịch và việc sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Cùng chia sẻ quan điểm này, TS. Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, cho phép các F0, F1 đi làm trong những điều kiện đặc biệt là chủ trương phù hợp. Theo TS. Bùi Lê Minh, nhiều cơ sở sản xuất đã chủ động xây dựng các mô hình làm việc cho F0, F1 đi kèm với hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe kịp thời và chính sách hỗ trợ cho người lao động khoa học. TS. Bùi Lê Minh nêu rõ dịch bệnh sẽ không hoàn toàn biến mất trong một thời gian dài, nên các công ty, cơ sở sản xuất bắt buộc phải lên kế hoạch duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh.

Bên cạnh đó, TS. Bùi Lê Minh cũng cho rằng đã đến lúc các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nên được tham gia nhiều hơn để gỡ nút thắt cho các cơ sở y tế Nhà nước trong việc điều trị, hỗ trợ bệnh nhân, giúp người bệnh có nhiều lựa chọn phù hợp với điều kiện gia đình hơn.

Chia sẻ về việc hạn chế lây nhiễm tại các cơ quan, xí nghiệp khi cho phép F0, F1 đi làm, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, việc quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức phòng dịch của những trường hợp F0, F1 này. Theo ông, nếu thuộc diện được đi làm thì họ cần tự ý thức đeo khẩu trang, tuân thủ tuyệt đối Thông điệp 5K, không ăn chung, uống chung và hạn chế giao tiếp trực tiếp...

Ngoài ra, những khu vực bố trí cho F0, F1 làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp cũng phải thường xuyên lau dọn, khử khuẩn sạch sẽ sau mỗi ngày làm việc, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan trong môi trường cơ quan, đơn vị khi tổ chức cho F0, F1 đi làm./.

Minh Hùng