UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN PHÁP LỆNH ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

10/03/2022

Sáng 10/3, tại Nhà Quốc hội, thực hiện Chương trình phiên họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh. Đây là dự án Pháp lệnh đầu tiên dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Phiên họp thứ 9.

 

Toàn cảnh Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, theo quy định tại Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý thì người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp: người nghiện ma tuý không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma tuý tự nguyện, người nghiện ma tuý trong thời gian cai nghiện ma tuý tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý, người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma tuý, thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể. Theo quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du

Với lý do trên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, việc ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là cần thiết.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân cũng cho biết, mục đích xây dựng Pháp lệnh nhằm bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đồng thời bảo đảm việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và quy phạm quốc tế dành cho người dưới 18 tuổi; Đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy;…

Dự thảo Pháp lệnh gồm 05 chương, 48 điều, quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về vấn đề cần xin ý kiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân nêu rõ, nội dung quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại còn có một số quan điểm khác nhau.

Theo đó, quan điểm thứ nhất cho rằng, việc quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong Nghị định số 116/2021/NĐ-CP là vượt quá thẩm quyền, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp, đây là những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người và cần được quy định bởi luật.

Quan điểm thứ hai cho rằng, nội dung này đã được quy định tại Điều 57 và Điều 58 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Dự thảo Pháp lệnh không cần quy định lại vấn đề này, chỉ cần dẫn chiếu đến Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Thống nhất cần thiết ban hành Pháp lệnh

Thẩm tra dự án Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Uỷ ban Tư pháp thống nhất với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh để thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy. Đồng thời, lưu ý đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh này là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (người bị đề nghị) và việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính, nên dự án cần thể hiện tính đặc thù này, thủ tục thân thiện, nhân văn và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị.

Về hồ sơ dự án Pháp lệnh, đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 22); tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 31), đa số ý kiến của Uỷ ban Tư pháp và ý kiến của các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành loại ý kiến thứ nhất của TANDTC. Theo đó, dự thảo Pháp lệnh này cần quy định các trường hợp được hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành để bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của đối tượng áp dụng.

Về thủ tục thân thiện, cần tiếp tục rà soát để bổ sung, hoàn thiện thêm về thủ tục thân thiện và các yêu cầu để thực hiện có hiệu quả thủ tục này như: bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm thủ tục thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bổ sung các quy định các phiên họp phải được tổ chức thân thiện; phòng họp thân thiện, an toàn, vị trí chỗ ngồi thân thiện; yêu cầu đối với việc hỏi người bị đề nghị; các yêu cầu khác hỗ trợ người bị đề nghị; tham vấn ý kiến chuyên gia;....

Về thời hạn xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự thảo Pháp lệnh không nên quy định thời hiệu đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là phù hợp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần quy định thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với lý do: Khi người nghiện ma túy có hành vi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, nhưng trong một thời gian hợp lý (khoảng 3 tháng) kể từ ngày có hành vi mà không bị xem xét đưa đi cai nghiện bắt buộc, thì không đề nghị xem xét, quyết định đưa họ đi cai nghiện nữa.

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu rõ quan điểm của Ủy ban đối với quy định kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; về việc ủy quyền của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội;….

Cho ý kiến tại Phiên họp, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Có ý kiến nhấn mạnh về đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, đây cũng không phải là biện pháp xử lý hành chính, do đó dự án Pháp lệnh cần thể hiện tính đặc thù này, quy định tại dự thảo phải toát lên thủ tục thân thiện, và hướng tới bảo đảm lợi ích tốt nhất của đối tượng này.

Liên quan đến quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 27 của dự thảo Pháp lệnh); điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại (Điều 31 của dự thảo Pháp lệnh), nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định đầy đủ các nội dung này trong dự thảo Pháp lệnh.

Theo các đại biểu, khi quy định trình tự, thủ tục đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì cũng cần quy định các điều kiện hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành ngay trong dự thảo Pháp lệnh. Quy định này phù hợp với thẩm quyền của UBTVQH tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy. Mặt khác, Nghị định số 116 quy định chi tiết một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy, trong đó Điều 57 và Điều 58 quy định cho cả hai loại đối tượng là: người trên 18 tuổi và người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó có quy định không phù hợp với đối tượng dưới 18 tuổi, đồng thời, cũng chưa bao quát được hết các trường hợp trong thực tiễn,…

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh để thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy. Đánh giá cao quy trình xây dựng, thẩm tra dự án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Pháp lệnh được TANDTC chủ trì nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan, hồ sơ dự án Pháp lệnh cơ bản đạt yêu cầu.

Đồng tình với nhiều nội dung thâm tra của Ủy ban Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng/đầy đủ hơn, không chỉ là  tạo cơ sở pháp lý để tòa xem xét, quyết định đưa người nghiện vào cơ sở bắt buộc, làm tăng khối lượng của tòa án cấp huyện mà các vấn đề khác liên quan đến kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư, cơ sở vật chất,… cũng cần phải đánh giá đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ phạm vi của Pháp lệnh, làm rõ các khái niệm về biện pháp xử lý hành chính, biện pháp hành chính, chế tài hành chính,… Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là vấn đề liên ngành, do đó cần phải nghiên cứu, rà soát, lắng nghe đầy đủ các ý kiến của các cơ quan có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm cần quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 27 của dự thảo Pháp lệnh); điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại (Điều 31 của dự thảo Pháp lệnh) trong dự thảo Pháp lệnh; Kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 4), Viện kiểm sát không chỉ kiểm sát về trình tự, thủ tục mà kiểm sát cả việc tuân theo pháp luật;…

Tại phiên họp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế cũng bày tỏ quan điểm nhất trí với sự cần thiết ban hành và những nội dung cơ bản của Pháp lệnh. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý cũng như bổ sung quy định liên quan đến: Kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bổ sung quy định căn cứ thời hạn quy định bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; việc ủy quyền của Trường phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia phiên họp; …

Kêt luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc ban hành Pháp lệnh là phù hợp với định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phù hợp với chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết 443 và thực hiện đúng quy định tại Khoản 5, Điều 33 Luật Phòng chống ma túy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo là TANDTC và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, các bộ, cơ quan có liên quan, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong việc hoàn chỉnh hồ sơ đầy đủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản thống nhất với các nội dung tại Tờ trình dự thảo và Báo cáo thẩm tra đã đề cập. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua các ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao lại cho Uỷ ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật, TANDTC và các cơ quan hữu quan (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, các cơ quan của Quốc hội) tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh, có Báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể. Đồng thời, lưu ý giữa hai Đợt họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi hoàn thiện Báo cáo tiếp thu giải trình cụ thể, dự thảo Pháp lệnh cần chuyển Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để chỉnh lý về mặt kỹ thuật, sau đó tiếp tục lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại Đợt 2, phiên họp thứ 9 vào ngày 24/3 tới đây.

Trong quá trình tiếp thu, giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý làm rõ một số nội dung như: Về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 27 của dự thảo Pháp lệnh); điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại (Điều 31 của dự thảo Pháp lệnh) cần phải quy định ngay trong dự thảo Pháp lệnh làm căn cứ để áp dụng; Tiếp tục rà soát tổng thể để bổ sung thêm các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; Phối hợp với cơ quan của Chính phủ làm rõ thêm báo cáo đánh giá tác động;…/.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiêu một số hình ảnh tại Phiên họp:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp 

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao  Nguyễn Văn Du trình bày Tờ trình dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị rà soát kỹ lưỡng đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp, các luật có liên quan như Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Khám chữa bệnh,… cũng như các điều ước Quốc tế Việt Nam đã ký kết.

Cơ bản nhất trí với những nội dung cơ bản tại dự thảo Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải lưu ý, cơ quan soạn thảo cần cung cấp thêm đánh giá về thực trạng, thực tiễn tình hình cai nghiện của đối tượng người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi hiện nay; vấn đề tổ chức hệ thống các cơ sở như thế nào,… để đảm bảo tính Pháp lệnh khi ban hành được thực thị trên thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, không nên đặt vấn đề  quy định về thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Luật Phòng, chống ma túy quy định việc đưa người người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính và không quy định thời hiệu về việc này. Ngoài ra, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được coi là người có bệnh, và cần được chữa bệnh.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến tham gia ý kiến tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung quy định Kiểm sát việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 4).

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại Phiên họp liên quan đến nhiều nội dung về trình tự, thủ tục đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh tán thành với sự cần thiết phải sớm ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, cần quy định nội dung về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 27 của dự thảo Pháp lệnh); điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại (Điều 31 của dự thảo Pháp lệnh) trong dự thảo Pháp lệnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý cần làm rõ một số nội dung như: Điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại cần phải quy định ngay trong dự thảo Pháp lệnh làm căn cứ để áp dụng; Tiếp tục rà soát tổng thể để bổ sung thêm các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; Phối hợp với cơ quan của Chính phủ làm rõ thêm báo cáo đánh giá tác động;…/.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác