Thời gian qua, với sự lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác phòng, chống tham nhũng có chuyển biến và đạt kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua tiến hành giám sát chuyên đề của Ủy ban Tư pháp chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 cho thấy, tình hình tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn ngày càng tinh vi khó phát hiện, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. Công tác phát hiện hành vi tham nhũng còn nhiều hạn chế, yếu kém và ở một số nơi có biểu hiện buông lỏng; việc xử lý hành vi tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu... Vì vậy, tăng cường trách nhiệm, hiệu quả trong công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong thời gian tới là yêu cầu rất cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương để qua đó kiềm chế và đẩy lùi tham nhũng, tạo môi trường xã hội lành mạnh, công khai, minh bạch, trong sạch để phát triển KT – XH, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, góp phần bảo đảm Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Qua 3 phiên làm việc, Hội thảo đã thảo luận về: trách nhiệm, thẩm quyền và tính độc lập của thanh tra trong việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; Công tác phát hiện hành vi tham nhũng thông qua việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; Kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng và kiểm sát điều tra, xét xử tội phạm về tham nhũng, những vấn đề đặt ra; Tăng cường nghiệp vụ và tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng; Công tác thẩm tra, giám sát của Ủy ban Tư pháp đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng – thực trạng và giải pháp hoàn thiện; Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng trong lực lượng Công an nhân dân; Mối quan hệ và sự phối hợp trong phát hiện, xử lý tội phạm về tham nhũng giữa Thanh tra, Kiểm toán; Điều tra và Viện kiểm sát, hiệu quả của mối quan hệ công tác giữa Thanh tra, Kiểm toán, Điều tra, Viện kiểm sát – những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục...
Tham dự Hội thảo, có ý kiến cho rằng, để tăng cường trách nhiệm, hiệu quả trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng cần nghiên cứu tập trung giao trách nhiệm chủ động phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng cho một cơ quan chống tham nhũng độc lập với cơ quan quản lý nhà nước hoặc giao cho một số cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền, điều kiện để phát hiện, xử lý có hiệu quả hành vi tham nhũng nhưng các cơ quan này phải bảo đảm sự độc lập cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để có cơ sở thực hiện việc bảo vệ người tố cáo; quy định rõ thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của Cơ quan điều tra trong Luật tố tụng Hình sự và phải coi đây là một giai đoạn trong hoạt động tố tụng hình sự...