ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN KINH TẾ PHẠM THỊ HỒNG YẾN: XÂY DỰNG KINH TẾ SỐ LÀ MỘT PHẦN THEN CHỐT

27/08/2021

Trao đổi với báo chí bên lề Đại hội đồng AIPA-42, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA-42 cho biết, các Nghị viện thành viên AIPA đã cam kết và thống nhất về những giải pháp quan trọng, thiết thực, khả thi, có tính quyết định trong việc giải quyết những thách thức của đại dịch COVID-19

 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến

Phóng viên: Tại Đại hội đồng AIPA-42 đã thông qua Nghị quyết “Tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN thông qua thúc đẩy số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và Nghị quyết “Phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Hợp tác du lịch trong ASEAN”. Đại biểu có thể cho biết, việc ban hành nghị quyết có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động rất tiêu cực tới ASEAN?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến: Đại hội đồng AIPA-42 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua những biến động lớn do tác động của đại dịch COVID-19. Các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang nỗ lực không ngừng để khống chế đại dịch, vượt qua khó khăn để phục hồi kinh tế.

Vai trò của hội nhập kinh tế khu vực ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước thành viên ASEAN trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Đối mặt với những thách thức do đại dịch COVID-19như sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế, sự gián đoạn của thị trường tài chính và các chuỗi cung ứng, cũng như những tác động tiêu cực tới những khu vực dễ bị tổn thương như doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), một trong những giải pháp để củng cố hội nhập kinh tế ASEAN mà các Nghị viện thành viên AIPA quan tâm là thúc đẩy chuyển đổi số có tính bao trùm trong ASEAN, trong đó, đặc biệt cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Ứng dụng và chuyển đổi số không chỉ giúp tăng cường kết nối kinh tế, tiết kiệm tài nguyên, giúp thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn là phương thức hữu hiệu để tăng cường năng lực, sự tự cường và tính sẵn sàng trước tác động của đại dịch, thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 và Khung phục hồi tổng thể ASEAN. Việc khai thác những lợi ích của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách hiệu quả sẽ là phương thức giúp các quốc gia vượt qua những đứt gãy kinh tế do đại dịch gây ra. Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa là lực lượng chủ chốt và quan trọng của các nền kinh tế trong khu vực, do vậy, cần tăng tốc quá trình chuyển đổi số để nâng cao sức chống chịu và năng lực hoạt động trong bối cảnh tác động của Covid-19.

Du lịch là một trong những ngành kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 và tại khu vực ASEAN, đây là ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các nền kinh tế khu vực nhìn chung phụ thuộc rất nhiều vào ngành du lịch. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay nhằm thúc đẩy mục tiêu phát triển bển vững, ngành du lịch ASEAN cần có cách tiếp cận mới nhằm bảo đảm vấn đề như đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, tại Đại hội đồng AIPA-42 năm nay, các Nghị viện thành viên đã thảo luận và thống nhất thông qua 02 Nghị quyết về: (1) “Thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN” và (2) “Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN” Nghị viện các quốc gia thành viên đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề để thảo luận tại Ủy ban Kinh tế của AIPA-42.

Trên cơ sở thảo luận, thống nhất của Đoàn đại biểu Nghị viện các quốc gia thành viên, 02 Nghị quyết trên đã được thông qua với những cam kết và thống nhất về những giải pháp quan trọng, thiết thực, khả thi, có tính quyết định trong việc giải quyết những thách thức của đại dịch.

Phóng viên: Theo đại biểu, trước bối cảnh khoa học công nghệ thế giới phát triển nhanh, mạnh như vũ bão thì ASEAN có tự tin để chuyển đổi số không? Vì sao?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến: Xây dựng nền kinh tế số là một phần then chốt trong chiến lược phát triển của các quốc gia thành viên ASEAN. Đại dịch COVID-19 là chất xúc tác để ASEAN tăng cường số hóa nền kinh tế, thích ứng và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hẹp khoảng cách số và bảo đảm bình đẳng số trong khu vực.

ASEAN có lợi thế trong chuyển đổi số khi nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số như Singapore, Malaysia… Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số của ASEAN lần thứ nhất đã thông qua Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025, nhằm hướng dẫn sự hợp tác kỹ thuật số cho các nước thành viên giai đoạn 2021 – 2025 trong việc thực thi kế hoạch đưa ASEAN trở thành cộng đồng kỹ thuật số và khối kinh tế kỹ thuật số hàng đầu. Các nước ASEAN đã nhất trí thúc đẩy sự hỗ trợ của các dịch vụ chuyển đổi số, công nghệ và hệ sinh thái, bảo đảm an ninh mạng để tạo ra một không gian kỹ thuật số đáng tin cậy.

Thách thức lớn nhất của việc chuyển đổi số trong ASEAN hiện nay có lẽ là vấn đề nguồn nhân lực. Chúng ta phải có những chính sách nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số ở ASEAN để phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là vấn đề được các nghị sĩ rất quan tâm trong quá trình thảo luận tại Ủy ban Kinh tế AIPA-42.

Tham dự phiên họp Ủy ban Kinh tế AIPA- 42, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã kiến nghị các Nghị viện thành viên AIPA cần huy động và phân bổ đủ ngân sách và nguồn lực cho kết nối kỹ thuật số, đặc biệt là công tác đào tạo, nâng cao năng lực kỹ thuật số cho người dân trong khu vực ASEAN. Đề xuất của Đoàn Việt Nam đã được các nước ghi nhận và thể hiện trong Nghị quyết.

Với sự cam kết mạnh mẽ của Nghị viện thành viên AIPA cũng như Chính phủ các nước thành viên ASEAN, sự đồng thuận từ phía người dân ASEAN, các quốc gia ASEAN rất tự tin thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025, tạo động lực để phát triển kinh tế ASEAN trong giai đoạn tới. Đây là chủ đề chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và cần quyết tâm cao nhất để chúng ta cùng thịnh vượng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bảo Yến