CÁC BỘ NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA CUỘC BẦU CỬ

14/07/2021

Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các bộ, ngành và địa phương đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử đã diễn ra trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp; sự tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, sáng tạo của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương; với tinh thần làm chủ và sự đồng sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong từng bước tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, các bộ, ngành và các địa phương đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Từ thực tiễn triển khai thực hiện các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã chủ động tham mưu giúp Chính phủ trong công tác phối hợp và ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử.

Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026.

a) Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực của Chính phủ về bầu cử) đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu giúp Chính phủ trong công tác phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản quy định hướng dẫn về bầu cử; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, Công điện và theo phạm vi, thẩm quyền đã ban hành Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử; chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử; kịp thời hướng dẫn, trả lời các địa phương về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; tham gia đầy đủ các đoàn kiểm tra, giám sát; trực tiếp tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương; giúp các địa phương trong cả nước triển khai nghiêm túc, đúng quy định, hiệu quả công tác nghiệp vụ bầu cử.

b) Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử; phân bổ, sử dụng dự toán ngân sách; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp kinh phí và bổ sung kính phí phục vụ bầu cử năm 2021 cho các Bộ, ngành và các địa phương.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên, liên tục chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn báo chí tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

d) Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các địa phương về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 và công tác bảo đảm y tế phục vụ bầu cử; kịp thời hỗ trợ chuyên môn và cử các đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ca dương tính với SARS-Cov-2 và những địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không để xảy ra dịch lan rộng và bùng phát trong thời gian tổ chức cuộc bầu cử.

đ) Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chủ động xây dựng các phương án cụ thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng; huy động toàn dân và cả hệ thống chính trị tham gia bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; có phương án bố trí, phân công lực lượng bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho các khu vực bỏ phiếu; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.

e) Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử; tích cực triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, góp phần bảo đảm ổn định an ninh trật tự cho cuộc bầu cử.

g) Bộ Ngoại giao đã xây dựng và phối hợp triển khai kế hoạch tuyên truyền đối ngoại về cuộc bầu cử, cung cấp thông tin các cuộc họp báo quốc tế; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài; tổng hợp và báo cáo dư luận nước ngoài về cuộc bầu cử; hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về nội dung, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử.

h) Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Trong phạm vi, thẩm quyền thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bầu cử; về hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân.

Bên cạnh các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, không thể không nhắc đến công tác triển khai, thực hiện ở các địa phương, cũng đã góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệp kỳ 2021 - 2026. Các địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan; chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử trên địa bàn; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về bầu cử; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử bảo đảm số lượng, đúng thành phần và thời gian theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ bầu cử; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho ngày bầu cử; thực hiện tốt, có hiệu quả các phương án, kịch bản về phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đi bầu cử.

Các địa phương đã đẩy mạnh nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức khác nhau về công tác bầu cử trong điều kiện dịch Covid 19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các báo, đài đã tập trung phản ánh không khí của cuộc bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm thông tin, hướng dẫn, giải đáp pháp luật về bầu cử, giúp cử tri hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ trong cuộc bầu cử; kịp thời đấu tranh, phản bác, vạch trần những luận điệu sai trái, xuyên tạc gây hoang mang, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch, phản động. Kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử, căn cứ các quy định của pháp luật về bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử đã trực tiếp hoặc chuyển cho các cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử, về nhân sự ứng cử bảo đảm kịp thời, khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Các tổ chức phụ trách bầu cử đã giải quyết các kiến nghị, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đúng thời gian theo quy định.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong cuộc bầu cử, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản với những phương án cụ thể và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau ngày bầu cử, góp phần bảo đảm thành công cho cuộc bầu cử.

Công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, địa điểm bỏ phiếu, in ấn, cấp phát tài liệu, thẻ cử tri, danh sách, tiểu sử những người ứng cử, phiếu bầu cử, hòm phiếu... được các địa phương quan tâm, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm bàn giao cho các tổ chức phụ trách bầu cử theo đúng thời hạn quy định.

Trong bối cảnh, điều kiện rất khó khăn, các địa phương đã triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện, nhất quán, chặt chẽ, sáng tạo trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử; đồng thời, vừa chủ động đảm bảo an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm đời sống, an toàn cho người dân. Với sự quyết tâm và nỗ lực lớn, cuộc bầu cử đã được các địa phương triển khai thực hiện bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng phát luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Kết quả cuộc bầu cử đã được đánh giá sâu đậm trong báo cáo tổng kết cuộc bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia nhưng tựu trung lại, cuộc bầu cử đã được các địa phương tổ chức bảo đảm đúng luật, trang trọng, nghiêm túc, an toàn, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, tin tưởng và tự hào của Nhân dân. Với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt tỷ lệ 99,60%; kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã bảo đảm định hướng về số lượng, cơ cấu, thành phần là minh chứng sinh động của ý Đảng, lòng dân, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và niềm tin, niềm tự hào của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Liên quan đến công tác khen thưởng về bầu cử, căn cứ Hướng dẫn số 670/HD-BTĐKT ngày 30/3/2011 của Ban Thi đua, Then thưởng Trung ương về thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác bầu cử và đề nghị của các Bộ, ngành và các địa phương: đã có 08 Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 244 tập thể và 218 cá nhân; một số bộ, ngành, cơ quan đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác bầu cử. Trong đó Bộ Nội vụ đã tặng bằng khen cho 13 tập thể (Sở Nội vụ) và 13 cá nhân tiêu biểu xuất sắc ở một số địa phương.

Nhìn chung, các bộ, ngành, các địa phương theo phạm vi, quyền hạn đã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời triển khai và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử; thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh; cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương./.

Bích Ngọc