BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỪ CÔNG TÁC BẦU CỬ

14/07/2021

Từ thực tiễn công tác Mặt trận tham gia công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về bầu cử theo quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và phân công của Hội đồng bầu cử quốc gia theo kế hoạch, đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử, tạo không khí phấn khởi, đồng thuận cao trong xã hội. Qua đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm và 05 kiến nghị.

Từ thực tiễn công tác Mặt trận tham gia công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua, có thể thấy, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương đã chủ động, tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo bầu cử; xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, để các nội dung công việc được thực hiện đúng luật, tránh sai sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

Quá trình tham gia tổ chức bầu cử, Mặt trận đã bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Đại biểu biểu quyết tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò chủ trì trong việc chuẩn bị, điều hành các hội nghị hiệp thương, tạo điều kiện để các đại biểu tham dự hiệp thương có đầy đủ thông tin, được trao đổi, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình và có quyết định đúng đắn; đẩy mạnh các hình thức trao đổi, bàn bạc trong Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp để hội nghị hiệp thương có sự tập trung trí tuệ của các thành viên khối Mặt trận, tăng cường trao đổi dân chủ để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mà pháp luật đã quy định, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Cùng với đó, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp được triển khai khá bài bản, các đoàn giám sát do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì đạt chất lượng, giúp các địa phương có sự chuẩn bị chu đáo khi triển khai công tác bầu cử, đồng thời cũng phát hiện những việc tổ chức thực hiện một số trình tự, thủ tục, nội dung chưa đầy đủ. Đặc biệt, kiến nghị kịp thời có văn bản hướng dẫn nhiều nội dung đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch COVID-19. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư liên quan đến bầu cử được quan tâm, cơ bản không xảy ra khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Trong công tác tuyên truyền, Ủy ban bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền các nội dung về bầu cử phù hợp với từng giai đoạn, từng bước của quy trình hiệp thương... qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động về cuộc bầu cử, để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, thực sự là ngày hội của toàn dân. Các hình thức tuyên truyền về bầu cử tại các địa phương phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm, chú ý của các tầng lớp nhân dân như: Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng (hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí...); đăng tải lên các Website của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hệ thống băng rôn, pa nô, áp phích tại các khu trung tâm, khu đông dân cư; qua hoạt động của mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên của các tổ chức đảng, đoàn thể, qua các hội nghị tại thôn, bản, tổ dân phố…

Nhìn chung, MTTQ Việt Nam các cấp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về bầu cử theo quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và phân công của Hội đồng bầu cử quốc gia theo kế hoạch, đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử, tạo không khí phấn khởi, đồng thuận cao trong xã hội.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức tổng kết công tác bầu cử bằng hình thức trực tuyến và văn bản, rút ra 6 bài học kinh nghiệm và 05 kiến nghị, đã biểu dương, khen thưởng 191 tập thể và 110 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, kịp thời động viên đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.

Từ thực tiễn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, cần phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng;

Thứ hai, nhận thức rõ quyền, trách nhiệm quan trọng của Mặt trận trong cuộc bầu cử;

Thứ ba, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong triển khai thực hiện;

Thư tư, chuẩn bị chu đáo, thận trọng, bảo đảm nhất quán sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng về dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử;

Thứ năm, sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời đồng bộ việc triển khai công tác bầu cử, đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp;

Thứ sáu, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện công tác bầu cử giải quyết, tháo gỡ kịp thời những vấn đề liên quan...

Bên cạnh 6 bài học kinh nghiệm nêu trên, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề xuất 5 kiến nghị:

(1) Đề nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Luật Bầu cử như: quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, nhất là đối với đại biểu hoạt động chuyên trách; quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ số dư bắt buộc tại các lần hiệp thương, kể cả đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương; sửa đổi Điều 7, Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo hướng có sự tham gia của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và ý kiến các địa phương trong việc dự kiến lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và việc điều chỉnh (nếu có);

(2) quy định về việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội về các địa phương, đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội trong cùng một khối ở Trung ương thì nên phân bổ đều cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

(3) quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của cử tri đối với “lá phiếu” để khắc phục hiện tượng bầu thay, bầu hộ;

(4) quy định thời gian cụ thể việc chuyển hồ sơ tài liệu của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp để Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp có đủ thời gian nghiên cứu, rà soát trước khi trình các hội nghị hiệp thương;

(5) rà soát, bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu (về đấu thầu mua sắm, in ấn tài liệu...) cho phù hợp với tính chất và các quy định về thời gian trong Luật Bầu cử.

Từ thực tiễn cuộc bầu cử, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận thức sâu sắc 2 điều:

Một là, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân..., chúng ta đã tổ chức thành công rất tốt đẹp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, thật sự là ý Đảng lòng dân, là niềm tin tuyệt đối của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ của chúng ta. Niềm vui, niềm tin tưởng được nhân lên khi các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trúng cử với tỷ lệ phiếu rất cao. Điều đó không chỉ thể hiện uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo cấp cao mà còn là niềm tin của Nhân dân đối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hai là, qua các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở thấm nhuần sâu sắc thêm lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu:

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong.”

Từ đó, nhận thức sâu sắc thêm vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải nỗ lực hơn nữa, tin vào dân, dựa vào dân, thực sự là hạt nhân kết nối, lan tỏa, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Bích Ngọc