
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi)
Luật sửa đổi bổ sung hình thức Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoản 3 Điều 4 và). Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ ban hành Nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được luật giao theo Luật hiện hành mà còn “hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân” (Điều 18). Xuất phát từ thực tế nội dung triển khai thi hành luật, liên quan đến trách nhiệm thực hiện (như giám sát, phản biện xã hội, công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân;...) thực chất cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức ở cả trung ương và địa phương. Do đó, quy định về văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội này là cần thiết, bảo đảm cơ sở pháp lý và hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung hình thức Thông tư liên tịch giữa Tổng Kiểm toán nhà nước với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (khoản 8a Điều 4). Luật hiện hành đã quy định thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong và quá trình thực hiện thời gian qua không có vướng mắc. Luật sửa đổi chỉ bổ sung thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia ban hành Thông tư liên tịch với các chủ thể hiện có để bảo đảm thống nhất với Luật Kiểm toán nhà nước (mới được sửa đổi tại kỳ họp thứ 8); Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Luật sửa đổi còn bổ sung quy định về Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư liên tịch để quy định “phòng, chống tham nhũng” (Điều 25) bảo đảm thống nhất với Luật Phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định “không ban hành thông tư liên tịch giữa các chủ thể là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ” (khoản 8a Điều 4).
Quy định của Luật sửa đổi được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của pháp luật hiện hành kết hợp với việc tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở các nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Theo đó, 53 nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021./.