Phiên họp đặc biệt về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra chiều 26/6 tại Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì và có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch AIPA 41, Thủ tướng New Zeanland Jacinda Ardan, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana.
Đây là lần đầu tiên một hoạt động về chủ đề tăng quyền năng cho phụ nữ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. Phiên họp cấp cao đặc biệt này cũng là một hoạt động nhằm kỷ niệm 110 năm Ngày quốc tế Phụ nữ, 45 năm thành lập Ủy ban ASEAN về Phụ nữ, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Phiên họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định cam kết mạnh mẽ ở cấp cao của ASEAN trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Cương lĩnh Bắc Kinh, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác ASEAN.

Toàn cảnh phiên họp điểm cầu tại Việt Nam
Thông qua việc chia sẻ và trao đổi ý kiến về các phương hướng nhằm thúc đẩy và đề cao hơn nữa vai trò, đóng góp của phụ nữ trước những chuyển đổi sâu sắc, mạnh mẽ của thời đại số, trong đó có các trọng tâm về tạo điều kiện để phụ nữ tham gia một cách sáng tạo, đổi mới trong tất cả các tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trên cả ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Thúc đẩy phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững, khuyến khích phụ nữ tham gia đầy đủ trong hoạch định các chương trình, chính sách về hòa bình, an ninh, phát triển cấp quốc gia và khu vực, đóng góp thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao thượng tôn pháp luật và tuân thủ luật pháp quốc tế. Tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong khởi nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh, thích ứng với những yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế số. Hội nghị khẳng định phụ nữ có vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chung của nhân loại ứng phó với các thách thức đe doạ ổn định và phát triển của các quốc gia, từ xung đột vũ trang, bạo lực cực đoan, đến biến đổi khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng xã hội... Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ. Sự bất bình đẳng về giới và xã hội đối với phụ nữ vốn đã hiện hữu nay càng trầm trọng thêm; những phụ nữ không được trang bị các kỹ năng và tri thức công nghệ thông tin mới, phương thức làm việc phù hợp có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Trước tình hình đó, phiên họp nhất trí cần phát huy các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và tranh thủ hợp tác với các đối tác nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động về phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ASEAN, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển của phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với công nghệ số một cách thuận lợi... Đặc biệt, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan và khác phục tác động của dịch bệnh Covid-19, phụ nữ và trẻ em gái cần được đặt ở vị trí trung tâm trong chính sách của mỗi quốc gia và khu vực; đồng thời cần khuyến khích sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong quá trình này.
Thế giới đã tiến một chặng đường dài kể từ năm 1995, khi Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh Bắc Kinh về Bình đẳng giới và vào năm 2000, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc lần đầu tiên thông qua Nghị quyết số 1325 về "Phụ nữ Hoà bình và An ninh". Tuy nhiên vẫn còn đó bất bình đẳng, phân biệt đối xử làm kìm hãm động lực phát triển và khả năng đóng góp của phụ nữ đối với cộng đồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thế giới và nhân loại đang trải qua những thời khắc khó khăn khi Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng và diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội đối với tất cả các quốc gia. Trong đó, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có khả năng chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về khoa học, công nghệ và nhất là công nghệ số của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu những khó khăn, thách thức mới, trong đó khoảng cách bất lợi về giới trong thời đại số ngày càng gia tăng; lao động thủ công mà đa số là lao động nữ có thể bị thay thế bằng tự động hóa, đồng thời với việc nhiều phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển không có điều kiện để tiếp cận với công nghệ số.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ. Phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang làm thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gây nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, gia tăng áp lực về chuyển dịch lao động. Đó chính là những nguy cơ đối với nhiều người phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp. Nhấn mạnh bất bình đẳng, phân biệt đối xử làm kìm hãm động lực phát triển và khả năng đóng góp của phụ nữ đối với cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần hành động để giải phóng tiềm năng của phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát huy được các thế mạnh, đóng góp tích cực cho tiến trình phát triển của mỗi quốc gia và Cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay.
Theo Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, khu vực ASEAN đang đi đầu cho phong trào hướng tới kỷ nguyên kỹ thuật số. Một khi được thực hiện một cách đầy đủ, nền kinh tế số có thể mang lại 1000 tỷ USD vào GDP của khu vực vào năm 2025. Mặc dù lợi ích tiềm năng là rất đáng kể, nhưng lại không có sự công bằng. Tính trên toàn thế giới, số lượng nữ giới có điện thoại thông minh ít hơn nam giới là khoảng 327 triệu người. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ truy cập internet của nam giới là 54,6%, trong khi của nữ là 41,3%. Ở các nền kinh tế phát triển, việc phụ nữ giữ các vị trí quan trọng ở cấp quản lý không nhiều. Với những thị trường đang phát triển và mới nổi, giống như hầu hết các nền kinh tế ASEAN, việc truy cập hạn chế vào cơ sở hạ tầng internet và các kỹ năng kỹ thuật số là một trở ngại cho việc trao quyền cho phụ nữ. Điều này đòi hỏi cần đảm bảo cho phụ nữ có thể hưởng lợi một cách bình đẳng từ quá trình số hóa và sự tiến bộ của khoa học công nghệ.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định, để sẵn sàng cho thời đại kỹ thuật số, ASEAN sẽ nỗ lực phối hợp cùng nhau trong việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, đưa ra các chính sách để cải thiện kỹ năng và có thể tăng cường kết nối kỹ thuật số; nhấn mạnh bình đẳng giới không chỉ là một lý tưởng chuẩn mực mà còn là một thành phần thiết yếu của sự phát triển và thịnh vượng kinh tế. ASEAN cam kết và sẽ thực hiện các bước cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các Trụ cột của Cộng đồng.
Tại Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước. Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các bản Hiến pháp sau đó, chúng tôi đều hiến định: “nam, nữ bình quyền”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy nâng cao và trao quyền đối với phụ nữ, đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành trong lĩnh vực quan trọng này. Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của Việt Nam đã ấn định tỷ lệ nữ tối thiểu là ứng cử viên đại biểu dân cử, nhờ vậy mà Quốc hội Khóa XIV đương nhiệm của chúng tôi đã có 26,72% đại biểu là nữ - một tỷ lệ được đánh giá là khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhiều phụ nữ Việt Nam đã giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và nhiều người đi đầu trong đổi mới, sáng tạo.
Trong phát biểu với chủ đề “Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để tăng quyền cho phụ nữ các quốc gia ASEAN nói chung và trong thời đại công nghệ số nói riêng, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả của các thiết chế Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các định chế quốc tế nhằm xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như một giá trị phổ quát, cốt lõi vốn có trên toàn cầu đến mọi thực thể trong khu vực, các quốc gia và cộng đồng xã hội. Đồng thời, để phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại số, cần phải tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho phụ nữ, đó chính là chính sách hữu hiệu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nam giới và nữ giới. Công nghệ số có thể là cầu nối thu hẹp khoảng cách về giới trong thời đại số. Lãnh đạo các Chính phủ của ASEAN tiếp tục là những hình mẫu thể hiện vai trò cá nhân và chính trị, dẫn dắt và nêu gương trong việc quan tâm thực chất đến phụ nữ, trẻ em gái và bình đẳng giới cho tất cả mọi người dân, cộng đồng xã hội trong khu vực và trên toàn cầu.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm cao nhất của ASEAN trong thực hiện hiệu quả Cương lĩnh Bắc Kinh và Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc, cũng như đề cao vai trò của phụ nữ trong hoà bình, an ninh phát triển và các ưu tiên hợp tác của ASEAN. Đầu tư vào phụ nữ và trao cho phụ nữ quyền năng đầy đủ là một trong những phương cách hữu hiệu nhất để huy động sức mạnh tổng hợp giúp các quốc gia tiến nhanh, tiến xa hơn nữa trong kỷ nguyên số khi khoa học công nghệ đang mở ra cả những cơ hội và đặt ra những thách thức đối với nhân loại./.