Toàn cảnh buổi làm việc
Theo Bộ Y tế cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có 02 chính sách mới. Một trong số đó là chính sách: Đảm bảo quyền được tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của tất cả nhóm đối tượng. Bộ Y tế đã đánh giá tác động xã hội cụ thể của chính sách này.
Theo Bộ Y tế, với chính sách, biện pháp đề xuất của Bộ là cho phép các tổ chức cộng đồng của mạng lưới người có nguy cơ cao, người nhiễm HIV tham gia cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; Đề xuất những người nghiện ma túy tham gia điều trị nghiện bằng các thuốc thay thế nếu không vi phạm các quy định của pháp luật sẽ không bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; Giảm độ tuổi xét nghiệm HIV phải có sự đồng ý của bố mẹ, hoặc người giám hộ từ dưới tuổi 16 xuống dưới tuổi 14; Cho phép triển khai các xét nghiệm sàng lọc HIV ngoài cơ sở y tế; Quy định rõ hơn về nguồn lực xét nghiệm miễn phí cho phụ nữ mang thai; Bổ sung các biện pháp mới về dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng vi rút HIV; Bổ sung nhóm người nhiễm HIV ở trại giam, trại tạm giam, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được tiếp cận thuốc điều trị ARV miễn phí; Quy định rõ hơn về nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS
Về tác động về việc làm và khả năng tạo ra việc làm, chính sách này có tác động về tạo thêm công ăn việc làm cho nhóm nguy cơ cao, người nhiễm HIV/AIDS tham gia về công tác phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm triển khai các hoạt động can thiệp tại cộng đồng, triển khai các dịch vụ tự xét nghiệm HIV, xét nghiệm sàng lọc HIV do những người tuyên truyền viên đồng đẳng hỗ trợ làm xét nghiệm. Người nhiễm HIV tham gia vào việc tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV và tuân thủ điều trị, giới thiệu bạn tình, bạn chích chung tham gia điều trị HIV/AIDS. Trong bối cảnh hơn 85% người nghiện chích ma túy tái nghiện sau khi cai nghiện, biện pháp điều trị nghiện bằng thuốc thay thế để giúp họ không bị lệ thuộc ma túy, không bị lên cơn thèm thuốc và bất chấp tất cả, biện pháp này giúp người nghiện có cơ hội tái hòa nhập công động, nâng cao sức khỏe, cân bằng cuộc sống, điều này giúp họ tìm kiếm công ăn việc làm thuận lợi hơn, có việc làm và có thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra khi tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế, họ không lên cơn thèm thuốc, không gây ra các tệ nạn xã hội, gián tiếp giảm gắng nặng công việc đảm bảo an ninh trật tự cho các cơ quan chức năng.
Tác động về việc cung cấp dịch vụ y tế và tiếp cận dịch vụ y tế, chính sách này tạo điều kiện mở rộng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ra cộng đồng, khi có chính sách tạo điều kiện và huy động được nhiều những người trong mạng lưới người có nguy cơ cao, người nhiễm HIV tham gia cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ngoài cơ sở y tế, do đặc thù về nhóm đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV luôn quan ngại về sợ kỳ thị, họ không muốn đến cơ sở y tế, do đó việc triển khai các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ngoài cộng đồng tạo điều kiện tiếp cận sớm một số dịch vụ cho người có nguy cơ cao như các hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, xét nghiệm sàng lọc HIV. Việc người nhiễm HIV trong trại giam, trại tạm giam không được tham gia bảo hiểm y tế sẽ khó khăn trong điều trị ARV, nguy cơ tử vong rất cao, do đó chính sách hỗ trợ thuốc và các dịch vụ điều trị miễn phí cho những người này tiếp cận với dịch vụ điều trị ARV.
Liên quan đến đảm bảo nguồn lực cho xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai miễn phí và cung cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con miễn phí sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được tiếp cận được thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV được sớm, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Hằng năm ước tính có 2300 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nếu không được xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và điều trị dự phòng lây nhiễm HIV sớm thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 35%, như vậy sẽ có 710 cháu nhiễm HIV hằng năm, nhưng nếu tất cả những phụ này được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ me sang con đầy đủ thì chỉ còn khoảng 1-2% cháu bị nhiễm HIV, tương đương 25-đến 45 cháu.
Đại diện Cơ quan soạn thảo báo cáo một số nội dung
Tác động về tiếp cận bảo hiểm, việc đảm bảo quyền được tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của tất cả đối tượng khác nhau là chính sách tăng cơ hội tiếp cận các dịch HIV/AIDS được bảo hiểm y tế chi trả, hiện nay có 142.000 người đang điều trị ARV, trong đó năm 2019 đã có 48.000 người điều trị ARV được bảo hiểm y tế chi trả và tỷ lệ này sẽ tăng lên hằng năm và tiến tới đạt 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế được điều trị ARV bằng nguồn bảo hiểm y tế khi không còn viện trợ vào năm 2025, do đó việc tăng nguồn lực hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế sẽ làm tăng số người nhiễm HIV tiếp cận với bảo hiểm y tế, trong những năm gần đây nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và các nhà tài trợ, nên số người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đạt 95%, số này cao hơn mức bình quân cả nước.
Tác động về sức khỏe, an toàn thực phẩm và môi trường của cộng đồng, việc người nhiễm HIV được điều trị ARV sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho người nhiễm HIV sống và làm việc bình thường như những người bình thường khác. Sự gia tăng người nhiễm HIV được điều trị ARV đã có tác động giảm số người nhiễm HIV tử vong giảm từ 10.000 ca năm 2008 xuống còn 2.000 ca năm 2019. Chính sách tạo nguồn lực và hành lang pháp lý thuận lợi cho việc xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng sớm lây truyền HIV mẹ sang con sẽ có tác động giảm số sẽ em bị nhiễm HIV trong thời gian tới, dự kiến vào năm 2030 có thể loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Việc người nhiễm HIV trong các trại giam, trại tạm giam được điều trị ARV miễn phí, giúp cho họ khỏe mạnh, cải tạo tốt sớm hòa nhập cộng đồng.
Tác động về dân số, nhân khẩu học, việc đảm bảo quyền được tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi người dân sẽ có tác động gián tiếp về dân số, nhân khẩu học. Theo ước tính của các chuyên gia UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho hơn 400.000 người tránh không bị lây nhiễm HIV và 150.000 không bị tử vong do AIDS. Một số quốc gia khu vực cận sa mạc Shahara, Châu Phi, dịch HIV/AIDS đã làm thay đổi cơ câu dân số, như làm mất cân bằng cơ cấu dân số, như tỷ lệ người dân trên 50 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi cao hơn nhiều dân số trưởng thành.
Bộ Y tế nêu rõ, trong quá trình thảo luận lấy ý kiến người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và những người nhiễm HIV, những người này cho biết nếu các chính sách này được thực thi sẽ giúp cho cộng đồng của họ có nhiều cơ hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS, họ thấy được bảo vệ sức khỏe của mình và giúp cho cộng đồng của họ được dự phòng lây nhiễm HIV, được điều trị HIV/AIDS sớm./.