Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn
Quan tâm về đời sống người dân trồng cây cà phê ở nước ta, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tình Kon Tum trăn trở, cà phê, cao su, tiêu là những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao đang được bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trồng, nhưng giá cả bấp bênh. Đại biểu cho biết, ở vùng Tây Nguyên, cây cà phê, cao su được còn người dân trồng theo phong trào “cà phê nhân dân” nhưng rất bấp bênh. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu cho biết, bà con đề nghị được trợ giá, bù cho sản phẩm. Bộ trưởng cho biết giải pháp cho đề nghị này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk ,cũng nhấn mạnh, cà phê, tiêu là những mặt hàng đã mang lại hàng tỷ đô la xuất khẩu trong nhiều thập kỷ qua, nhưng hiện tại hàng ngày từng dòng người dân trồng, chăm sóc cà phê ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang đổ về Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm việc làm, bỏ lại sau lưng nhà cửa, rẫy nương và nhưng món nợ tại ngân hàng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này trong hiện tượng này như thế nào và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?
Trả lời các chất vấn của đại biểu về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, những vấn đề đại biểu đưa ra cần được giải quyết bằng nhóm giải pháp căn cơ và dài hạn. Diện tích cà phê của chúng ta hiện lên đến 680 nghìn ha, với sản lượng rất cao. Thế giới đang khủng hoảng cung - cầu, cung vượt cầu. Do đó, cần rà soát diện tích già cỗi, canh tác kém, năng suất thấp kiên quyết cải tạo, thay thế. Bộ trưởng cho biết, vừa qua, các tỉnh đã làm rất tốt, xác định 120.000 ha già cỗi, canh tác kém để thay thế, chuyển sang cây trồng mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại phiên chất vấn
Nhóm giải pháp thứ hai, theo Bộ trưởng, không gì bằng tập trung chế biến, vì lượng nông sản được chế biến chiếm 12% tổng sản lượng nông sản nhưng đem lại 20% giá trị. Đầu tư chế biến sẽ tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín, có chế biến mới rải vụn sản phẩm, không có tình trạng tập trung chào bán trong một thời điểm.
Riêng đối với cây cà phê, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ tiến hành đồng bộ giải pháp, rà soát diện tích cây nào già cỗi sẽ tái canh; sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường; tập trung chế biến sâu bằng thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư. Để thực hiện mục tiêu phát triển chế biến sâu, Bộ trưởng cho biết, “trong lễ hội cà phê năm nay sẽ có một chương trình để giới thiệu tiềm năng cho doanh nghiệp, để cùng chung tay thực hiện”.
Đối với cây cao su, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu rõ, loại cây này sẽ còn một thời kỳ giảm giá. Bởi từ nay đến năm 2050, thế giới có xu hướng kết thúc năng lượng hóa thạch, chuyển sang một dạng năng lượng văn minh hơn là năng lượng tái tạo. Cùng với việc gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, sự trồi sụt của tăng trưởng kinh tế thế giới, nên nhu cầu tiêu thụ cao su mất cân đối với nguồn cung cấp. Chủ trương dài hạn là rà soát lại, không tăng diện tích trồng cao su.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, giải pháp trước mắt và lâu dài với các nhóm cây trồng cây công nghiệp, đặc biệt là ba nhóm cây trồng ở khu vực Tây Nguyên là cần rà soát, loại nào diện tích đã hết quy hoạch kiên quyết dừng lại, rà soát khu vực nào không thể tăng cường thâm canh, lôi kéo doanh nghiệp vào để chế biến; đưa các giải pháp khoa học vào để sản xuất nguyên liệu ở mức hợp lý, không tăng sản lượng nhưng tăng chất lượng, thu hút doanh nghiệp để chế biến nông sản./.