Tại phiên chất vấn, đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi và 14 đại biểu tranh luận. Các đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường về các vấn đềChất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Cùng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận phiên chất vấn đầu tiên đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triên nông thôn đã diễn ra sôi nổi; các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề.
Cho biết, đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu minh chứng rất cụ thể, nêu rõ các tồn tại, hạn chế của ngành trong thời gian qua và có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập, đưa ra giải pháp để thực hiện của ngành và Bộ trưởng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành nông nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và mong muốn Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Chính vì vậy, nội dung này luôn được Quốc hội quan tâm trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Thời gian qua, dưới sự nỗ lực của ngành, địa phương, lĩnh vực này đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục triển khai, đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa để có chuyển biến tích cực.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những nội dung được Quốc hội chất vấn hôm nay có nhiều vấn đề không mới, đã được Quốc hội giám sát tối cao, nhiều nội dung đã được thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIV và đã được thảo luận trong các phiên họp về kinh tế - xã hội. Do đây đều là những vấn đề cốt lõi, liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh kế của đa số người dân, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, với mong muốn cần tiếp tục có những giải pháp khả thi nhằm giải quyết một cách triệt để, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn để Chính phủ, Bộ trưởng nghiên cứu, có các giải pháp mang tính đột phá trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài liên quan đến lĩnh vực chất vấn, tập trung vào một số vấn đề.
Một là, tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với các chỉ tiêu cụ thể, phát huy được kết quả của giai đoạn trước, đi vào chiều sâu, thực chất, gắn với các giải pháp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hiện đại, bền vững; có những giải pháp để thu hẹp khoảng cách về kinh tế - xã hội, nhất là về y tế, văn hóa giữa các khu vực trong xây dựng Nông thôn mới. Tiếp tục triển khai Nghị quyết 32 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù họp với thực tế vùng, miền, tăng cường nguồn lực, chính sách cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng di tích và căn cứ cách mạng.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp, thực hiện liên kết trong sản xuất, hình thành cơ cấu sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi; thực hiện các giải pháp khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích thành lập, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã; phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn văn minh hiện đại.
Đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn
Ba là, làm tốt công tác kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm; giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, chất kháng sinh, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp; quản lý chặt chẽ việc sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp, xây dựng mô hình bảo hiểm mới phù hợp với các loại hình sản xuất nông nghiệp.
Bốn là, làm tốt công tác dự báo, công tác quy hoạch, rà soát lại diện tích, chủng loại cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu thị trường và xuất khẩu, giảm diện tích các loại nông sản không hiệu quả, nhu cầu không còn cao; chú trọng vào khâu chế biến, tổ chức thị trường; nâng cao tính cạnh tranh và giá trị của các sản phẩm nông sản có thế mạnh; chủ động ứng phó với tình trạng được mùa, mất giá và cả mất mùa, mất giá theo nguyên tắc thị trường; chú trọng phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy thị trường truyền thống, thị trường lớn, chủ động tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng.
Có giải pháp cụ thể để xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, nhất là đối với gạo, trái cây và nông sản Việt Nam, nâng cao giá trị sản phẩm Quốc gia, sản phẩm vùng và địa phương; tăng hiệu quả cho người trồng lúa; tái cơ cấu về diện tích, loại cây nông nghiệp có lợi thế, ưu tiên các nhóm có giá trị cao gắn với nhu cầu của thị trường; tập trung sản xuất phân hữu cơ, quản lý chất lượng phân bón và làm tốt công tác bảo vệ thực vật ở cơ sở.
Năm là, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi. Rà soát, đánh giá hệ thống quản lý nhà nước về thú y, hệ thống dịch vụ thú y để bảo đảm hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh. Tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống các dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, chủ động xây dựng kế hoạch và kịch bản tổng thể phòng, chống dịch bệnh, nhất là bảo vệ môi trường, an toàn đời sống của nhân dân; chú trọng bảo đảm nguồn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường và công tác tái đàn sau dịch; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ chống dịch bệnh, xử lý nghiêm việc trục lợi các chính sách trong hỗ trợ phòng, chống dịch.
Sáu là, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản và Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tiếp tục cơ cấu lại ngành thủy sản, cơ cấu lại hoạt động khai thác, phương tiện đánh bắt phù hợp với sản lượng, ưu tiên cho phương thức nuôi biển đáp ứng yêu cầu của thị trường; kiểm soát được việc đánh bắt xa bờ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương đưa việc đánh bắt xa bờ vào nề nếp, đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế để nhanh chóng rút được Thẻ vàng của EC; đẩy nhanh tiến độ gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nâng cao trang thiết bị, từng bước hiện đại phương tiện đánh bắt nhất là phương tiện bảo quản sản phẩm sau đánh bắt; cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá, khu neo trú tàu, thuyền.
Rà soát, tổng kết toàn diện việc tổ chức thực hiện Nghị định 67; có các giải pháp hiệu quả về tín dụng để giảm nợ xấu trong hỗ trợ hoạt động khai thác hải sản, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ mới; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các chính sách hỗ trợ trong đánh bắt để trục lợi.
Ngay sau phần chất vấn đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương./.