ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỔ 05 THẢO LUẬN VỀ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NSNN NĂM 2019, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NĂM 2020

22/10/2019

Chiều ngày 22/10, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 05 tiến hành thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và NSNN 2019, kế hoạch phát triển năm 2020. Tổ số 05 bao gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Tây Ninh và Tp. Đà Nẵng.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 05

Tại buổi thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn...

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, theo đó nền kinh tế cơ bản phát triển theo hướng tích cực, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Quy mô kinh tế được mở rộng, tăng trưởng và năng suất lao động đạt khá, chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện. Triển khai tích cực các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện các đột phá chiến lược; thể chế về huy động nguồn lực có bước đổi mới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được một số kết quả, đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên đi vào cụ thể, tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Bá Sơn- Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng, chỉ ra rằng báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh và làm rõ thêm thêm về một số vấn đề cụ thể như sự bùng phát các dự án ma với nhiều hệ lụy quan trọng; tồn tại trong nhiều công trình giao thông; môi trường phát triển của các doanh nghiệp trong nước; liên kết vùng trong phát triển kinh tế; gian lận thương mại...

Các đại biểu phát biểu tại Tổ

Đại biểu Bùi Văn Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, có thể thấy kết quả nổi bật nhất trong phát triển kinh tế-xã hội là: tăng trưởng kinh tế đi vào chiều sâu, hướng dần đến bền vững; tập trung khai thác những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế chính là tiền đề đảm bảo tăng trưởng bền vững; lòng tin của nhân dân được củng cố. Tuy nhiên vẫn còn có một số vấn đề về văn hóa, xã hội cần phải được quan tâm thêm như vấn đề sách công nghệ giáo dục được đưa vào triển khai khi chưa đạt yêu cầu; chất lượng đào tạo giáo dục đại học còn chưa cao; tự chủ trong giáo dục còn vướng mắc; tinh giản bộ máy, biên chế còn lúng túng, chạy theo số lượng.

Quan tâm về Đề án vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đại biểu Quàng Văn Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, cho rằng kết quả giảm nghèo theo chỉ tiêu là giảm, tuy nhiên tỷ lệ nghèo trong dân tộc thiểu số lại tăng lên. Có 118 văn bản quy định về các chính sách đối với dân tộc thiểu số, tuy nhiên nguồn lực bố trí thì không đủ, không kịp thời; nhiều chính sách vẫn chưa được thực hiện hiệu quả như vấn đề người dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất.

Tham gia phát biểu, đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, nêu rõ, Chính phủ đã xác định kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tuy nhiên kinh tế tư nhân đang rất khó khăn trong phát triển mặc dù đã có một số Luật quy định cho loại hình doanh nghiệp này. Việc tiếp cận vốn của vay của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân như doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ còn rất hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn la, cho ý kiến

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận Tổ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, bày tỏ sự tán thành với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, thắng lợi này có vai trò của Đảng, toàn quân và toàn dân. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt Chính phủ đã gom 118 chính sách thành một Chương trình mục tiêu Quốc gia, điều này khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số; đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, mặc dù tình hình thế giới còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam luôn giữ vững sự ổn định chính trị, tạo ra môi trường hòa bình, thu hút đầu tư, phát triển đất nước. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nên đề nghị Chính phủ cần phải quan tâm khắc phục như việc giải ngân vốn vẫn còn chậm, doanh nghiệp nhà nước còn khó khăn; việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành còn chậm.

Ngoài ra, tại buổi thảo luận các đại biểu cũng đề nghị số liệu trong các báo cáo cần được rà soát, cập nhật, đảm bảo tính chính xác, tính thời sự để các đại biểu Quốc hội có sơ sở để nắm bắt rõ thông tin./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức