Thu tiền bảo hiểm xã hội: Dự kiến sẽ giao ngành thuế thực hiện

18/02/2011

Sáng 16.2, đoàn khảo sát quản lý và sử dụng Quỹ BHXH của Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) do Phó Chủ nhiệm Đặng Như Lợi làm Trưởng đoàn, tiếp tục làm việc ngày thứ hai tại Cơ quan BHXH TPHCM sau khi giám sát 4 tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Ông Lợi xác định: “Sau 4 năm thực hiện, Luật BHXH đã điều chỉnh được những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa để đáp ứng thực tiễn”.

Đối tượng bắt buộc không ai quản!

Theo Giám đốc BHXH TPHCM Cao Văn Sang: Năm 2010, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.605.115 người (tăng 10,14% so với 2009). Đây là năm thực hiện kế hoạch khó khăn nhất từ trước tới nay, bởi lẽ: Kế hoạch do BHXH VN giao thu tăng 55,39% so với 2009, trong khi các DN đều gặp khó khăn về tài chính. Đã thế, việc xử lý vi phạm hành chính còn chậm, ít hiệu quả vì Luật BHXH và Luật BHYT quy định chỉ phạt chậm đóng từ trên 1 tháng đã gián tiếp cho phép DN đóng theo hình thức gối đầu, lãi suất phạt nợ thấp hơn so với lãi suất tiền vay ngân hàng nên không ngăn chặn được tình trạng nợ BHXH – BHYT.

Từ thực trạng trên, ban giám đốc BHXH TPHCM đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó: Đẩy mạnh phối hợp với Thanh tra Sở LĐTBXH, tham mưu với UBND TPHCM ra văn bản chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHXH. Riêng năm 2010, BHXH TPHCM cùng 24 quận, huyện đã khởi kiện 150 đơn vị, thu hồi 11,37 tỉ trong tổng nợ 34,63 tỉ đồng nợ đọng, khắc phục được 32,83% số nợ. Kết quả, tổng thu BHXH, BHYT và BHTN là 13.676,816 tỉ đồng, tăng 4.570 tỉ đồng (đạt 100,01% kế hoạch và tăng 50,18% so với 2009); nợ bình quân còn 0,4 tháng (giảm 0,3 tháng so với 2009).

Theo Giám đốc (GĐ) BHXH Q.1 Nguyễn Thị Hiền (địa phương có nguồn thu chiếm 1/5 tổng thu BHXH toàn TPHCM): “Khó khăn nhất đối cơ quan BHXH là xác định và quản lý được đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bởi lẽ hiện chưa có cơ quan nào thống kê được chính xác số lượng đơn vị, DN có sử dụng LĐ cũng như số lượng NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Vì vậy, cơ quan BHXH chủ yếu chỉ thu được BHXH từ số LĐ mà các đơn vị, DN tự đăng ký”. GĐ BHXH TPHCM Cao Văn Sang xác nhận: “TPHCM có hơn 120.000 DN đã được Sở KHĐT cấp phép, nhưng khảo sát thực tế thì chỉ có 80.100 DN hoạt động (số liệu phục vụ Đại hội Đảng bộ TPHCM lần IX). Như vậy đã có 40.100 DN bỗng dưng... mất tích (!?)”.

PGĐ BHXH TPHCM Đỗ Quang Khánh bổ sung: “Đợt kiểm tra ngẫu nhiên 51 DN được Sở KHĐT TPHCM cấp phép thì chỉ có 27 DN thực tế hoạt động, còn 24 DN kia... không thấy! Tuy nhiên, trong số 27 DN lộ diện cũng chỉ có 7 DN tham gia BHXH”. Tóm lại, hiện BHXH TPHCM chỉ thu được BHXH của 1,61 triệu NLĐ từ 338.227 DN, tổ chức, đơn vị tự đăng ký LĐ và tham gia BHXH, còn khoảng 52.000 DN có hoạt động nhưng không đóng BHXH, hậu quả hàng trăm ngàn NLĐ mất trắng quyền lợi BHXH.

Luật quá bất cập

Qua ý kiến các đại biểu, đoàn khảo sát ghi nhận luật chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các DN cố tình chiếm đoạt tiền lương NLĐ mà không tham gia BHXH. Tính đến cuối 2010, TPHCM có tới 19.139 DN, đơn vị nợ đọng BHXH của trên 687.100 NLĐ. Chỉ tính riêng số nợ từ 1 tỉ đồng trở lên hoặc nợ trên 12 tháng đã có tới 205 DN nợ tổng cộng 75 tỉ đồng, trong đó có DN nợ trên 10 tỉ đồng. Tổng nợ BHXH bắt buộc đến cuối năm 2010 tại TPHCM là gần 374 tỉ đồng. Có một giải pháp đòi nợ BHXH là trích trừ tài khoản của DN.

Thế nhưng, hầu hết DN đã đối phó bằng cách rút hết tiền trong tài khoản! Chưa hết, khi thanh tra lao động ra quyết định xử phạt mà DN không thực hiện thì “bó tay”, vì không có cơ chế cưỡng chế hành chính trong lĩnh vực này. Giải pháp mà Cơ quan BHXH TPHCM thực hiện hiệu quả nhất là khởi kiện. Thế nhưng, điều hết sức oái oăm là: Về hình thức, cơ quan BHXH khởi kiện đòi nợ dân sự, nhưng lại do toà án (TA) lao động xét xử và trước đó phải có việc xử phạt hành chính (kèm biện pháp buộc thực hiện). Như vậy, đã có trường hợp TA bác đơn của BHXH với lý do “đã có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền”!

Bên cạnh đó, DN chỉ tham gia BHXH cho NLĐ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu chút đỉnh để giảm chi phí, hậu quả, khi nghỉ hưu cuộc sống của họ rất thiếu thốn vì lương hưu thấp. Thực tế hiện nay, không ít DN và NLĐ đã lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để hưởng lợi, đơn cử: Có trường hợp LĐ nữ khi mới mang thai đã thỏa thuận với DN tăng đột biến tiền lương đóng BHXH để tăng hưởng trợ cấp thai sản. Nhiều trường hợp NLĐ chuyển việc (không thất nghiệp) nhưng đã và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của QH Đặng Như Lợi xác định: “Chính sách BHXH là một “trụ cột” quan trọng của an sinh xã hội. Dự kiến trong chương trình xây dựng pháp luật của QH khóa XIII sẽ sửa Luật BHXH sao cho quản lý nguồn thu và sử dụng quỹ BHXH tốt nhất, trong đó giao ngành thuế thực hiện thu, rồi chuyển cho cơ quan BHXH thực hiện chính sách.

Như vậy, những vi phạm về BHXH được xem như vi phạm thuế và sẽ bị xử lý hình sự”. Tuy nhiên, không ít đại biểu cho rằng, chỉ cần quy định BHXH là loại “thuế an sinh xã hội” và cứ để cơ quan BHXH thực hiện với tư cách cơ quan thu thuế và thực hiện chính sách là hay nhất.

 

 

Dương Minh Đức

(http://laodong.com.vn/)