Thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Luật tố tụng dân sự: Xem xét thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự

18/02/2011

Tiếp tục phiên họp thứ 38, chiều 16/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ Luật Tố tụng dân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp

Thảo luận về các nội dung cơ bản trong dự thảo Luật, vấn đề được nhiều đại biểu tham gia góp ý kiến là thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự. Nhiều đại biểu nhận định: có một số quan hệ pháp luật có tính đặc thù như: yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về thuê tài sản… không thể quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết các vụ việc dân sự như quan hệ pháp luật khác. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định loại trừ về thời hiệu đối với các quan hệ pháp luật đặc thù này.

Trong cơ chế kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao có ý kiến cho rằng: Nguyên nhân của nhiều vi phạm nghiêm trọng không phải do cơ chế xét xử hai cấp mà do chất lượng các bản án, là ở bộ máy tổ chức, con người. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị: Trong khi chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ quyền công dân tốt hơn thì trong điều kiện hiện nay, trước mắt vẫn áp dụng cơ chế cũ.

Ông Nguyễn Văn Thuận nói: “Rõ ràng có những trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, kể cả cơ quan giám sát cũng đồng ý với nhau rằng đúng là sai nhưng không có cơ chế. Cho nên việc tìm ra cơ chế này là bước giải quyết trước mắt. Sau này, chúng ta bàn trong tiến trình cải cách bộ máy và đổi mới hệ thống các cơ quan mà chúng ta tìm được cơ chế hữu hiệu hơn. Trước hết tôi ủng hộ cơ chế này”.

Thực tế xét xử, có tình trạng các đương sự lần lượt xin hoãn phiên tòa để cố tình kéo dài thời gian xét xử vụ án, gây khó khăn cho Tòa án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Vì vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sửa đổi theo hướng chỉ hoãn phiên toà khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất đương sự hoặc người bảo vệ pháp luật của đương sự vắng mặt. Còn về thẩm quyền của Viện Kiểm sát, nhiều ý kiến cho rằng: Đương sự có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Quy định như vậy là đủ cơ sở pháp luật để bảo đảm cho việc thu thập chứng cứ trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Viện Kiểm sát phải có thẩm quyền tự mình thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong trường hợp cần thiết để lấy căn cứ cho việc kháng nghị trong các vụ án, vụ việc dân sự.

Bà Lê Thị Thu Ba cho rằng: “Thẩm quyền của Viện Kiểm sát điều tra thu thập chứng cứ để thực hiện chức năng của mình đó là kháng nghị. Trước khi anh kháng nghị, phải đi điều tra thu thập chứng cứ mới có căn cứ để kháng nghị. Nếu không cho Viện Kiểm sát đi điều tra thu thập chứng cứ thì Viện Kiểm sát cũng bị chặt tay, lấy gì để làm căn cứ kháng nghị. Nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ của Tòa án thì làm sao kháng nghị được”.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Ban soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục hòan chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới. Trong đó, sửa đổi bổ sung 3 điều gồm: Điều 1 sửa đổi, bổ sung 48 Điều, bổ sung mới 14 Điều, quy định bãi bỏ 8 Điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 2 bổ sung một chương quy định về “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao” và Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành của Luật.

Sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật phòng, chống mua bán người và dự án Luật Kiểm toán độc lập./.

 

 

Minh Châm - Lại Hoa

(http://vovnews.vn/)