Toàn cảnh phiên họp
Trước đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ về nội dung này vào ngày 22/5/2019 và tại Hội trường ngày 30-31/5/2019. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Uỷ ban Tài chính- Ngân sách chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu.
Về việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, mặc dù xét về tổng thể, tỷ trọng thu nội địa chiếm 80,3% tổng thu NSNN, tăng so với 2 năm liền kề và cao hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (68%); thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào thu dầu thô, xuất nhập khẩu (chiếm khoảng 19,1%, thấp hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30,4%). Việc thực hiện chính sách tài khóa theo hướng chủ động, linh hoạt, chặt chẽ và tiết kiệm đã góp phần bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đúng như các vị ĐBQH đã nêu, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, tỷ trọng thu nội địa còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020 (84-85%), thu tiền sử dụng đất vượt khá cao so dự toán.
UBTVQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị để cơ cấu lại NSNN, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Liên quan đến thu NSNN năm 2017, UBTVQH xin giải trình cho rằng, công tác quản lý thu NSNN năm 2017 đã có nhiều cố gắng. Thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tuy không đạt dự toán song tăng 15,9% so với thực hiện năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (6,81%) và lạm phát (CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53%). Tuy nhiên, công tác lập và giao dự toán thu NSNN năm 2017 còn hạn chế nhất định như ý kiến ĐBQH đã nêu. Mặc dù có một số lý do khách quan dẫn đến việc lập và giao dự toán thu chưa sát thực tế (một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp lớn trong số thu ngân sách có tốc độ tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ, số doanh nghiệp ngừng, nghỉ kinh doanh còn lớn...), song thực trạng này còn xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan, một số yếu tố ảnh hưởng tới nguồn thu có thể dự báo và lường trước song trong quá trình lập và giao dự toán, các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt (như việc thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với ô tô theo lộ trình cam kết tại Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN). Việc giao dự toán thu không sát gây không ít khó khăn, bị động cho các địa phương trong quá trình điều hành thực hiện dự toán NSNN hàng năm. Rút kinh nghiệm các năm trước, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định dự toán NSNN năm 2019 ở mức phù hợp hơn, thu nội địa tăng 6,7% so với năm 2018, bảo đảm tính sát thực, tạo chủ động trong điều hành NSNN.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo
Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập và giao dự toán, tính toán, bảo đảm tính chủ động trong điều hành thực hiện dự toán thu, chi NSNN trong những năm tiếp theo.
Về chi NSNN năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp trong quản lý, điều hành thực hiện dự toán chi NSNN năm 2017 song kết quả thực hiện cho thấy, còn một số bất cập, hạn chế trong thực hiện dự toán chi NSNN năm 2017 đã được nhìn nhận, đánh giá trong Báo cáo thẩm tra, Báo cáo kiểm toán và ý kiến của các vị ĐBQH đã nêu như nhiều nhiệm vụ chi quan trọng đã được quan tâm, bố trí nguồn lực song lại không đạt dự toán, phải chuyển nguồn sang năm sau; chi đầu tư còn tình trạng phân bổ, giao vốn, giải ngân chậm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm và là một trong những biểu hiện của lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu còn hạn hẹp, nhiều nhiệm vụ chi cần thiết khác chưa được bố trí đủ nguồn. UBTVQH đề nghị Chính phủ sát sao hơn để khắc phục triệt để tình trạng này, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.
Đối với ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm về việc số chuyển nguồn năm 2017 vẫn tăng và cao nhất trong 3 năm gần đây, Báo cáo tiếp thu, giải trình nêu rõ: theo số liệu báo cáo, số chi chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018 là 326.380 tỷ đồng (19,4% so với tổng chi NSNN), tăng 19.488 tỷ đồng so với số chi chuyển nguồn của năm 2016 (19,2%). UBTVQH nhận thấy, việc tăng số chi chuyển nguồn năm 2017 xuất phát từ một số nguyên nhân như đây là năm đầu thực hiện Luật NSNN 2015 nên các bộ, ngành, địa phương có những vướng mắc nhất định trong triển khai thực hiện, việc giao dự toán chậm, chưa thực sự tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chi,... nên dẫn đến số chuyển nguồn lớn, tăng so với năm 2016. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tăng cường quản lý, thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyển nguồn theo Luật NSNN năm 2015.
Về các tồn tại, hạn chế, sai phạm trong quản lý NSNN, Báo cáo cũng chỉ rõ, trong năm tài khóa 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng chi sai chế độ vẫn còn tồn tại, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định,… UBTVQH cho rằng, việc để lặp lại các hạn chế này trong nhiều năm thể hiện kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành NSNN còn bất cập. Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến ĐBQH để có những biện pháp quyết liệt hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành NSNN đồng thời, báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 cần nhấn mạnh, báo cáo Quốc hội cụ thể các hạn chế, bất cập, nguyên nhân, biện pháp khắc phục, đặc biệt là đối với các hạn chế đã được nêu trong các báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN các năm 2016, 2017.
Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc việc thể hiện nội dung “chênh lệch giữa số bội thu để trả nợ gốc và số bội chi của các địa phương 9.521 tỷ đồng” tại Điều 1 Dự thảo Nghị quyết, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, rà soát và tiếp thu theo hướng không thể hiện nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết để đảm bảo đúng bản chất nghiệp vụ tài chính phát sinh, các số liệu cụ thể, chi tiết liên quan đến quyết toán NSNN năm 2017 sẽ được thể hiện ở các phụ lục kèm theo. Phần giải thích về tính bội chi NSNN liên quan đến khoản chênh lệch giữa số bội thu để trả nợ gốc và số bội chi của các địa phương sẽ được thể hiện ở Phụ lục I để bảo đảm tính hợp lý, minh bạch, dễ hiểu, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về NSNN. Việc không thể hiện nội dung này tại Điều 1 Dự thảo Nghị quyết không làm thay đổi số thu, chi, bội chi NSNN năm 2017 so với số liệu Chính phủ trình Quốc hội.
Về các ý kiến ĐBQH tham gia về từ ngữ, kỹ thuật trình bày, bố cục dự thảo Nghị quyết, UBTVQH đã chỉ đạo Uỷ ban Tài chính- Ngân sách chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trên cơ sở báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. UBTVQH kính trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 với:
Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.683.045 tỷ đồng, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018.
Bội chi ngân sách nhà nước là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 70.125 tỷ đồng; vay ngoài nước 66.838 tỷ đồng.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỷ đồng./.