Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân Tp. Cần Thơ phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân Tp. Cần Thơ, cho rằng Khoản 3 Điều 12 "Nguyên tắc xác định thẩm quyền" chưa đề cập đến trường hợp người bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật sau đó được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn rồi không còn là cán bộ, công chức, viên chức; khoản này cũng không đề cập đến trường hợp người bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật, sau đó được chuyển sang cơ quan khác giữ chức vụ cao hơn, không còn là cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến vấn đề khi giải quyết tố cáo. Đối với một người không còn là cán bộ, công chức, viên chức, dự thảo chỉ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 12, nếu áp dụng quy định này thì sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức tại thời điểm vi phạm có thẩm quyền giải quyết, như vậy là chưa hợp lý. Do đó đại biểu đề nghị bổ sung thêm điểm đ và điểm e cho đầy đủ. Cụ thể điểm đ: trường hợp người bị tố cáo được bổ nhiệm làm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tại cùng cơ quan mình rồi sau đó chuyển sang cơ quan tổ chức, đơn vị khác nhưng đến thời điểm bị tố cáo không còn là cán bộ công chức, viên chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp tại thời điểm người này giữ chức vụ cao nhất giải quyết; Điểm e: trường hợp người bị tố cáo đã chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn nhưng đến thời điểm bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp tại thời điểm người này giữ chức vụ cao nhất giải quyết.
Toàn cảnh Phiên thảo luận về Dự án Luật Tố cáo(sửa đổi)
Ngoài ra, về khoản 1 Điểm 13 thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước, cụm từ "cán bộ, công chức, viên chức" được sử dụng một cách chung chung. Đối tượng cán bộ, công chức cấp xã không được Luật Cán bộ, công chức năm 2008 gọi là cán bộ, công chức như từ cấp huyện trở lên. Do đó chưa xác định được việc tố cáo đối với hành vi của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết hay không. Tương tự ở khoản 3 Điều 13 Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh được giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức do mình bổ nhiệm quản lý trực tiếp. Với quy định này thì thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quản lý trực tiếp đối với cán bộ hay không? Do đó, đề nghị rà soát tổng thể toàn bộ Điều 13 để có sự điều chỉnh cho phù hợp sử dụng cụm từ "cán bộ, công chức, viên chức".
Cũng liên quan đến thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, đại biểu Quốc hội Bùi Quốc Phòng tỉnh Thái Bình cho rằng, tại Điều 14 và Điều 15, thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, theo đó quy định đối tượng mà Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức do mình trực tiếp quản lý là chưa đầy đủ. Trên thực tế hiện nay, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đều có các đối tượng là người lao động khác như lái xe, nhân viên bảo vệ và người làm tạp vụ, vì vậy đề nghị bổ sung thêm đối tượng người lao động khác cũng là đối tượng mà Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp có thẩm quyền giải quyết khi họ bị tố cáo.
Ngoài ra, theo đại biểu Bùi Quốc Phòng phân tích, thì quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 15 về thẩm quyền giải quyết tố cáo của Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, theo phân cấp quản lý của ngành Tòa án và Viện kiểm sát, Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là người quản lý cán bộ, công chức của ngành ở địa phương, các đơn vị cấp huyện là đơn vị sử dụng cán bộ, công chức. Vì vậy, việc chuyển giao giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức cho thủ trưởng đơn vị tại cấp huyện của ngành Tòa án và Viện kiểm sát là trái với nguyên tắc xác định thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 12 dự thảo luật là "Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ công chức, viên chức đó giải quyết". Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh cho thống nhất trong hệ thống pháp luật.