Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, dự thảo Luật đã được tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Qua quá trình tiếp thu chỉnh lý, dự thảo Luật đã được sửa đổi 53 điều, bổ sung 05 điều, bỏ 09 điều, giữ nguyên 10 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và hiện gồm 09 chương và 68 điều. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện với các nội dung quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết tố cáo, cụ thể hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập của Luật Tố cáo hiện hành.
Thảo luận trong phiên họp toàn thể tại hội trường, các đại biểu Quốc hội Tôi đánh giá cao việc tiếp thu và giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Luật Tố cáo (sửa đổi. Trong điều kiện thông tin phát triển mạnh, mạng xã hội bùng nổ, Luật Tố cáo thông qua liên quan trực tiếp đến việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, vụ việc tham nhũng. Nhất là trong thời gian gần đây công tác phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thực sự quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện và tích cực, rõ nét, để lại dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình cao. Do vậy, việc thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) đòi hỏi rất cấp bách và cần thiết. Các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm khi đóng góp ý kiến cụ thể về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Bổ sung thêm một số quy định trong nội dung bảo vệ người tố cáo
Quan tâm đến nội dung bảo vệ người tố cáo trong dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín tỉnh Đăk Nông cho rằng quy định của dự thảo luật về bảo vệ người tố cáo đã có một bước phát triển lớn so với các quy định trước đây đã làm rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tạo niềm tin và sự bảo đảm để người tố cáo yên tâm thực hiện quyền tố cáo của mình, góp phần vào việc đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi và các quy định này, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định để xác định rõ thế nào là tính có căn cứ để yêu cầu được bảo vệ và cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy tỉnh Bến Tre phát biểu
Cũng liên quan đến nội dung bảo vệ người tố cáo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy tỉnh Bến Tre đề nghị bổ sung một mục trong khoản 1 về quyền của người được bảo vệ là: yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình như luật hiện hành. Đồng thời, do tính đa dạng, phức tạp và đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện bảo vệ người tố cáo và người thân thích của người tố cáo, đại biểu khẳng định sự thống nhất với báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết về chương này.
Bỏ quy định về thời hiệu tố cáo là cần thiết
Về thời hiệu tố cáo, Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) nêu rõ, việc giải quyết tố cáo là nhằm kết luận có hay không có hành vi vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm... từ đó mới có cơ sở để xem xét, xử lý đối với người có hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả, cải tiến, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Do đó, không cần quy định thêm về thời hiệu tố cáo để tránh tạo ra xung đột với quy định về thời hiệu xử lý vi phạm trong các luật có liên quan, làm phát sinh vướng mắc khó xử lý trong thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão tỉnh Nghệ An cho ý kiến
Tán thành với quan điểm của Báo cáo giải trình, tiếp thu, đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão tỉnh Nghệ An cho rằng việc bỏ quy định thời hiệu tố cáo là cần thiết, tại khoản 1 Điều 2 đã xác định rất rõ trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật đã ghi hậu quả cho xã hội, nếu quy định thời hiệu sẽ dẫn đến tình trạng có hành vi bị xử lý, có hành vi không bị xử lý và như vậy tính nghiêm minh của pháp luật sẽ ảnh hưởng. Mặt khác trong thực tế người tố cáo có thể phát hiện hành vi vi phạm pháp luật từ trước nhưng khi họ đang ở trong tình trạng phụ thuộc là người trong cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm, cấp trên, cấp dưới, họ không dám tố cáo mà khi thoát ra khỏi tình trạng phụ thuộc mới dám tố cáo. Nên nếu áp dụng quy định thời hiệu sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.