Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018

12/06/2017

Sáng 12/6, khởi đầu tuần làm việc thứ 4 của Quốc hội Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 với tỷ lệ 436/439 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành chiếm 88.80% tổng số đại biểu Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc 
trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH 
về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018  

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về cơ bản, đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, tập trung vào các nhóm nội dung chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát; đồng thời, nhất trí với dự kiến chi tiết các nội dung của chương trình.

Để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2018, về giám sát chuyên đề, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ giám sát 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5, không tổ chức giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 để tập trung cho các nội dung nêu trên. Đồng thời, bổ sung nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 6 vào dự thảo Nghị quyết.

Về giám sát chuyên đề, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về lựa chọn chuyên đề giám sát. Đến buổi sáng ngày 01/6/2017, Tổng Thư ký Quốc hội nhận được 396 phiếu trên tổng số 491 đại biểu Quốc hội khóa XIV; trong đó:

- Có 302/396 ý kiến (76,2%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;

- Có 288/396 ý kiến (72,7%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội;

- Có 171/396 ý kiến (43,1%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi;

- Có 72/396 ý kiến (18,1%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tiếp thu các đề nghị của đại biểu Quốc hội về nội dung giám sát không chỉ về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà nên rộng hơn, tương xứng với giám sát tối cao của Quốc hội là “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”; đề nghị không đưa nội dung giám sát về trái phiếu Chính phủ trong năm 2018 hoặc để lui lại một thời gian. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các ý kiến nêu trên là phù hợp, đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5 với nội dung: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011- 2016”. Các nội dung còn lại, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để đưa vào chương trình giám sát và tổ chức giám sát, báo cáo kết quả với Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội đã ngày càng được quan tâm và không ngừng đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng nâng lên, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Trong thực tế, qua hoạt động giám sát, nhất là hoạt động chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm, hoạt động điều hành của cơ quan thực thi pháp luật đã có chuyển biến rất tích cực, rõ nét; kết quả giám sát đã hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn đời sống kinh tế- xã hội luôn có sự biến động, bên cạnh những mặt được còn không ít vấn đề nảy sinh, hoạt động giám sát đòi hỏi phải được đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa; do vậy, trong thời gian tới, yêu cầu trách nhiệm của cá nhân đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cao hơn thì mới đáp ứng được đòi hỏi đó.

Sau khi nghe trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 và dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 với tỷ lệ 436/439 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành chiếm 88.80% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018          Ảnh:Đình Nam

Nghị quyết quy định, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo, tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011- 2016. Tại  kỳ họp thứ 6, bên cạnh việc xem xét các báo cáo thường niên, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn theo Nghị quyết số 85/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội: chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát; tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình giám sát.

Các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bảo Yến