Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự

27/05/2017

Sáng 27/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị                                                      Ảnh: Đình Nam

Trước đó, ngày 24/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã dành một ngày làm việc để thảo luận tại Hội trường về các nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu tại Hội trường, để có thêm thời gian thảo luận và ý kiến đóng góp về dự án Luật quan trọng này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến nội dung tại các Điều 12 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 19 về không tố giác tội phạm; Điều 317 về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; Điều 217a về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp; Điều 235 về tội gây ô nhiễm môi trường; một số điều luật có quy định tình tiết định lượng thành quy định tình tiết định tính; các điều luật có khoản quy định nhắc lại cấu thành cơ bản của dự thảo Luật...

Cần tiếp tục nghiên cứu thống nhất quy định về tội không tố giác tội phạm đối với người bào chữa

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật là xung đột với Điều 9 của Luật luật sư trong việc tố giác thân chủ của luật sư. Đại biểu đặt vấn đề luật sư phải ứng xử thế nào đối với quy định như dự thảo Luật. Trường hợp, luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa hay không, xã hội có tẩy chay nghề luật sư, nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không khi niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư có nguy cơ sẽ mất dần và thui chột.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội nghị

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, theo kinh nghiệm pháp luật một số nước như Mỹ, Nhật, Đức cho thấy, trong trường hợp luật sư biết được thân chủ chuẩn bị thực hiện tội phạm và lên kế hoạch thực hiện tội phạm thì phải báo cho cơ quan nhà nước và giới hạn ở một số tội đặc biệt nghiêm trọng như tội khủng bố, lật đổ chính quyền. Đối với những tội đã thực hiện rồi thì luật sư có quyền miễn trừ và trách nhiệm điều tra tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra.

Đại biểu kiến nghị, trong tình hình thực tiễn hiện nay của Việt Nam, quy định của Điều 19 nên giới hạn ở khoảng 20 đến 30 tội buộc phải có trách nhiệm tố giác tội phạm gồm tội đặc biệt nghiêm trọng hay các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Đại biểu nhấn mạnh, luật sư không những bảo vệ quyền lợi cho khách hàng mà còn góp phần bảo vệ công lý bảo vệ pháp chế, thông qua việc bào chữa cho thân chủ nhằm tạo lập niềm tin của khách hàng và lan tỏa ra toàn xã hội về công lý, công bằng. Tuy nhiên với trách nhiệm của công dân, người luật sư khi biết thân chủ của mình chuẩn bị thực hiện tội phạm, ví dụ luật sư thấy thân chủ chuẩn bị thực hiện việc khủng bố hoặc tham gia kế hoạch khủng bố, đặt bom ở đâu đó sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội và Nhà nước thì trong trường hợp đó luật sư phải có trách nhiệm tố giác tội phạm và phải thông báo, xác lập quan hệ rõ ràng với thân chủ.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, luật sư ngoài đạo đức nghề nghiệp còn đạo đức trách nhiệm của công dân. Khi biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì luật sư hoàn thành nghĩa vụ của mình, nhưng nó ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, tới nhiều người dân vô tội thì việc luật sư làm ngơ là không được.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận tại Hội nghị

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa- TP. Hồ Chí Minh phân tích, quan hệ luật sư và thân chủ là một trong những quan hệ cơ bản của hệ thống tư pháp, tạo ra sự cân bằng, tạo điều kiện nhằm bảo đảm công lý, quyền con người. Xuất phát từ công ước quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết về quan hệ giữa luật sư và người được bào chữa, trong đó có quy định các nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư bảo vệ các bí mật giữa luật sư và thân chủ. Pháp luật một số nước chỉ yêu cầu tiết lộ thông tin đối với những hành vi đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra, sẽ diễn ra. Đối với những tội đã diễn ra không buộc luật sư phải tố giác. Trong khi đó, Điều 19 của dự thảo Luật có quy định không miễn trừ những hành vi đang và sẽ diễn ra; đối với những hành vi đã diễn ra có giới hạn ở một số tội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định tố giác tội phạm đối với luật sư cần phải có đủ các yếu tố là biết rõ hành vi, có chứng cứ và nếu không tố giác sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến- TP. Hà Nội, khoản 3 Điều 19 quy định theo hướng luật sư phải tố giác tội phạm là thân chủ của mình đối với những tội đã thực hiện, tham gia thực hiện quy định này xung đột, mâu thuẫn và không phù hợp với nguyên tắc lập pháp. Cụ thể, quy định này xung đột với điều 9 Luật luật sư và Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án về người bị buộc tội mà mình bào chữa. Đồng thời, xét quy trình tố tụng trên thực tế hiện nay thì tính khả thi của Điều 19 cũng không bảo đảm.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học- tỉnh Phú Yênđại biểu Quốc hội Phạm Đình Cúc- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu bày tỏ quan điểm ủng hộ khoản 3 Điều 19 bởi luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của luật sư, cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa luật sư với thân chủ. Luật đã giới hạn phạm vi tố giác tội phạm đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chứ không ràng buộc luật sư tố giác mọi tội phạm là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học bày tỏ tán thành với quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm tố giác tội phạm của luật sư

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cung cấp thêm thông tin, so với Điều 22 Bộ luật hình sự 1999 luật sư phải chịu trách nhiệm về tội không tố giác tội phạm ở 179 khung hình phạt thì Bộ luật hình sự 2015 về trách nhiệm của luật sư trong việc không tố giác tội phạm là giảm đi 109 khung hình phạt, cho thấy sự thu hẹp đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của luật sư đối với tội không tố giác tội phạm.

Do còn ý kiến khác nhau nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần trao đổi, thảo luận thêm với Liên đoàn luật sư để sớm thống nhất về quy định này.

Nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Liên quan đến tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nêu rõ Điều 317 Dự thảo luật quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết rõ là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm…”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành- tỉnh Lạng Sơn cho rằng quy định như vậy sẽ khó xử lý tội phạm trên thực tế bởi nếu chủ thể cho rằng mình không biết rõ là chất cấm thì sẽ không xử lý được.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành góp ý chi tiết về nội dung Điều 317 tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Đại biểu đề nghị cần phải quy định theo hướng có những danh mục cấm tuyệt đối được xem như điều kiện tiêu chuẩn mà các nhà cung cấp nhà sản xuất thực phẩm phải biết. Những điều khoản sử dụng thuật ngữ “biết rõ” ban soạn thảo cần phân định cụ thể hơn trường hợp nào phải biết, trường hợp nào phải biết rõ.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định về việc sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy để bán trực tiếp cho người tiêu dùng, bên cạnh hành vi chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm chế biến từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy như Dự thảo Luật đã quy định.

Dự thảo Luật cũng cần phân định rõ trách nhiệm của hai nhóm đối tượng là người nhập khẩu, cung cấp và người bán thực phẩm. Trong đó, nhóm người nhập khẩu, cung cấp là những người hiểu biết, có khả năng nắm rõ thông tin, nguồn gốc, chỉ số chất lượng hàng hóa cần phải biết rõ sản phẩm cung cấp có chất cấm hay không. Do đó, yêu cầu điều kiện và trách nhiệm cao hơn với nhóm người bán.   

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy định như Điều 317 là chưa chặt chẽ, cần quy định là “biết rõ và phải biết” là chất cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm nhằm nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.

Đề nghị cân nhắc quy định xử lý thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm

Liên quan đến quy định hàng hóa phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu tại Điều 190 và Điều 191 của Dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Đào Tú Hoa- TP. Hà Nội cho rằng, việc bổ sung “hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu” là chưa hợp lý, chưa phù hợp với chính sách xử lý hình sự của Bộ luật hình sự.

Đại biểu Đào Tú Hoa phân tích, Luật đầu tư và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư không có quy định cấm đối với ngành nghề kinh doanh sản phẩm thuốc lá. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá thì chỉ quy định cấm hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu mà không có quy định sản phẩm thuốc lá điếu nhập lậu là hàng hóa cấm kinh doanh.

Nhấn mạnh hàng phạm pháp không đồng nhất là hàng cấm, đại biểu đề nghị, không nên bổ sung “hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu” là hàng cấm để xử lý hình sự theo Điều 190 và Điều 191 của dự thảo Luật mà cần xử lý hình sự về tội buôn lậu như thực tiễn hiện nay đang áp dụng.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu- tỉnh Đắk Lắk cho rằng xử lý đối với thuốc lá điếu nhập lậu nếu ghép vào quy định của Điều 190, thực tế xét xử sẽ khiên cưỡng. Đại biểu đề nghị xem xét để quy định ở tội buôn lậu như hiện hành. Tội buôn lậu có cấu thành hành vi là yếu tố vận chuyển qua biên giới- ở đây thuốc lá nhập lậu tội phạm đã vận chuyển hoàn thành, việc xử lý khi hàng hóa khi lưu thông trên địa bàn thì nên để ở tội buôn lậu thì sẽ hợp lý hơn là hàng cấm. 

Tin và ảnh: Bảo Yến

Các bài viết khác