Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính- ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng

15/05/2017

Chiều 15/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính- ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra       Ảnh: Đình Nam

Theo báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính- ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày, Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng Duyên hải Bắc Bộ. Hải Phòng còn là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại I, trung tâm cấp quốc gia. Vì vậy, để thể chế hóa Kết luận số 72-KL/TƯ ngày 10/10/2013, Bộ chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương: “Sớm trình cơ quan cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, cán bộ, tài chính - ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng cho Thành phố đô thị loại 1, đô thị trung tâm cấp quốc gia…”. Do vậy, việc Chính phủ dự kiến ban hành Nghị định về một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với Hải phòng là cần thiết để góp phần tạo điều kiện cho Thành phố huy động nguồn lực thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực.

Về mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hải Phòng, tại điểm b khoản 6 Điều 7 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: “Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp”. Tuy nhiên Chính phủ đề nghị cho phép nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố thêm 10% do thực tế cho thấy nhu cầu vốn đầu tư phát triển của Thành phố trong thời gian tới là rất lớn nên mức khống chế 30% này gây khó khăn trong công tác huy động vốn, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển theo định hướng của Đảng đối với Thành phố, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của địa phương

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ vì thực tế cho thấy, Thành phố Hải Phòng có nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi việc hỗ trợ bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho địa phương còn hạn chế. Vì vậy, việc nâng mức dư nợ vay như Chính phủ trình sẽ góp phần giúp Thành phố có thêm cơ hội và điều kiện trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời, mức dư nợ vay 40% cho ngân sách Thành phố Hải Phòng cũng tương đồng với mức dư nợ vay của Thành phố Đà Nẵng đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Về bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu so dự toán và thưởng vượt dự toán thu, để bảo đảm hỗ trợ thêm nguồn vốn đầu tư phát triển, đồng thời khuyến khích địa phương trong công tác hành thu, Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 và năm 2015 đều có quy định Ngân sách trung ương sẽ bổ sung có mục tiêu cho các địa phương từ một phần số tăng thu so với dự toán đối với các khoản thu phân chia giữa Ngân sách trung ương và Ngân sách địa phương và khoản thu Ngân sách trung ương hưởng 100%. Tại Điều 6 của Dự thảo Nghị định, Chính phủ đề nghị: “Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu Ngân sách trung ương được hưởng 100%; nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước”.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với quy định trên đối với Thành phố Hải Phòng và cho rằng tỷ lệ hỗ trợ này là hợp lý và phù hợp với mặt bằng hỗ trợ đối với một số địa phương đã được áp dụng cơ chế đặc thù như Thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính- ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc ban hành Nghị định là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị cũng như quy định tại điều 74, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Về mức dư nợ cho vay, theo quy định của luật Ngân sách nhà nước, Thành phố Hải Phòng có mức dư nợ vay ngân sách không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Chính phủ đề nghị tăng thêm 10% vì đây là cơ chế đặc thù. Hơn nữa, mức này tương đồng với Thành phố Đà Nẵng và phù hợp Luật Ngân sách nhà nước nên đề nghị này là phù hợp.

Về bổ sung mục tiêu từ nguồn tăng thu so với dự toán và thưởng vượt thu, Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí cao với mức bổ sung cho thành phố 70% số tăng thu so với dự toán được giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hải Phòng cũng như các khoản thu mà ngân sách trung ương được hưởng 100% được thu tại địa bàn Hải Phòng bởi đây là cơ chế đặc thù cho vùng động lực, chính sách này là chính sách động lực cho những thành phố có số thu lớn, những thành phố phát triển sẽ đóng góp cho GDP và ngân sách nhà nước.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính- ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hải Phòng để tạo điều kiện cho thành phố Hải phòng có điều kiện đột phá trong phát triển kinh tế xã hội. Về các cơ chế đặc thù cao hơn mức quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí cho phép thành phố huy động vốn đầu tư ở mức không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội quyết định.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị ngân sách trung ương hàng năm bổ sung có mục tiêu cho Thành phố Hải phòng 70% số tăng thu so với dự toán thu được giao từ khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; và khoản thu ngân sách trung ương được hưởng 100% nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với năm trước và sau khi đã trừ thừa nguồn thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Vân Ngọc

Các bài viết khác