Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế còn thấp

15/05/2017

Sáng 15/5, sau phiên khai mạc phiên họp thứ 10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ cho biết, Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm 2016, trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện quý IV, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV Báo cáo đánh giá kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, trong đó có 11 chỉ tiêu trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-  xã hội đề ra tại Nghị quyết Quốc hội đạt và vượt kế hoạch.

Đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm, Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, giữ nguyên đánh giá có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 02 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,21%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 6,7%; và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 10%

Theo số liệu báo cáo bổ sung của 13 chỉ tiêu, so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV, có 06 chỉ tiêu đạt cao hơn; 03 chỉ tiêu đạt thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội là: (i) tốc độ tăng chỉ số giá CPI tháng 12/2016 so với tháng 12/2015 là 4,74% (số đã báo cáo là 4%), nhưng vẫn đạt chỉ tiêu là thấp hơn mục tiêu 5% đã được Quốc hội đã thông qua; (ii) tốc độ tăng trưởng GDP là 6,21%, (số đã báo cáo là 6,3% - 6,5%); (iii) tỷ lệ che phủ rừng là 41,05% (số đã báo cáo là 41,15%); 04 chỉ tiêu còn lại không đổi so với số đã báo cáo Quốc hội.

Thẩm tra về Báo cáo này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đều đạt và vượt trong khi đó chỉ tiêu GDP lại đạt thấp; thực hiện quyết liệt hơn nữa Đề án tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước để sớm giải phóng nguồn lực của Doanh nghiệp nhà nước, nâng cao thực chất quản trị doanh nghiệp thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư; đề nghị cần có đánh giá kỹ, toàn diện để chủ động có giải pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các giải pháp về nguồn lực.

Về ngân sách nhà nước, Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt 1.101,38 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với dự toán và tăng 62,38 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên vẫn còn 3 khoản thu không đạt mức đánh giá báo cáo Quốc hội là thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh và thuế thu nhập cá nhân.

Thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Ngân sách nhà nước năm 2016, triển khai dự toán Ngân sách nhà nước năm 2017, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đánh giá, kết quả thu Ngân sách nhà nước vượt so với số đã báo cáo Quốc hội cho thấy những nỗ lực rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường và sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, sự cố gắng nỗ lực của toàn dân và sự hành động với quyết tâm cao của ngành tài chính trong việc phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất dự toán thu Ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, để có cơ sở đánh giá, phân tích kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi Ngân sách nhà nước năm 2016 phục vụ cho công tác quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2015 và những năm sau, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ Chỉ đạo việc tiếp thu các kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng Ngân sách nhà nước năm 2016; Đánh giá đúng số hoàn thuế Giá trị gia tăng năm 2016; Xác định chính xác số vốn ODA giải ngân năm 2016; Trên cơ sở xác định chính xác số hoàn thuế Giá trị gia tăng, số vốn ODA giải ngân, đề nghị xác định chính xác tỷ lệ bội chi Ngân sách nhà nước năm 2016.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban; cho rằng các Báo cáo khá đầy đủ, đưa ra một số nhận định, không né tránh và nêu ra những giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng Báo cáo cần phải hoàn thiện thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN & NĐ Phan Thanh Bình nêu ý kiến, năm 2016 có 2 chỉ tiêu chưa đạt, nhưng trong 13 chỉ tiêu thì đây là chỉ tiêu số 1 và chỉ tiêu số 2, là hai chỉ tiêu hết sức quan trọng và nó tác động đến toàn bộ nền kinh tế, thể hiện năng lực, sự ổn định và bền vững cũng như phát triển mạnh của nền kinh tế vĩ mô nên đề nghị Chính phủ và các cơ quan thẩm tra phân tích rõ 2 chỉ tiêu này.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đây là báo cáo về kinh tế- xã hội nhưng vẫn nặng về kinh tế và xem nhẹ mặt xã hội; đề nghị Chính phủ làm rõ lý do tại sao các vấn đề về xã hội nêu trong các báo cáo có thời lượng ít như vậy.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị trong đánh giá cần đánh giá sâu thêm các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục và nên có một 1 mục nói về vấn đề xã hội. Trong thẩm tra nếu như các cơ quan thẩm tra, các Ủy ban không nói những vấn đề này là thiếu sót trước nhân dân; đề nghị cần phải có thái độ rất rõ ràng, mảng các lĩnh vực xã hội nên có một nhận định sâu sắc hơn.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế còn thấp, số thu ngân sách của địa phương vượt khá cao, tình hình giải ngân trái phiếu Chính phủ đạt thấp; vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp còn thấp, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển kinh tế trong nông nghiệp, vấn đề nông thôn, vấn đề lao động việc làm và tình hình thu cần xác định thêm số hoàn thuế giá trị gia tăng cho chính xác.

Đặc biệt Ủy ban thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ phần đánh giá về văn hóa, xã hội, vấn đề chất lượng cuộc sống, vấn đề giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, vấn đề đối ngoại, nhất là vấn đề an ninh mạng, vấn đề khiếu kiện gắn với thu và quản lý về đất đai. Những nội dung này cần được nêu tương xứng với vai trò quan trọng của nó trong báo cáo của Chính phủ và cần làm rõ thêm trách nhiệm của bộ máy nhà nước cũng như hệ thống chính trị đối với việc triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, cần khắc phục việc triển khai một số nhiệm còn chậm, một số dự án quan trọng quốc gia như Đường cao tốc Bắc- Nam, chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa có hồ sơ để trình Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những nhiệm vụ của mình, trong đó xây dựng một Chính phủ phục vụ, nêu cao trách nhiệm của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở cấp cơ sở; chuẩn bị kỹ và sâu hơn các báo cáo. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Ủy ban để hoàn chỉnh báo cáo trước khi trình ra Quốc hội.

Đặng Mai

Các bài viết khác