Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với TP. Hồ Chí Minh về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT

05/05/2017

Chiều 5/5, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên làm Phó Trưởng Đoàn Thường trực đã làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (BOT).

Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong 10 năm qua, Thành phố đã kêu gọi và triển khai hoàn thành 5 dự án giao thông BOT với tổng mức đầu tư là 7.800 tỷ đồng. Các dự án đã đưa vào khai thác điển hình là cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu 2, cầu Sài Gòn 2, dự án xây dựng đường nối từ Nguyễn Duy Trinh tới khu công nghiệp Phú Hữu… Ngoài ra Thành phố còn hoàn tất thủ tục và triển khai 9 dự án khác với tổng mức đầu tư 31.700 tỷ đồng như đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- vành đai ngoài, khai thác tầng ngầm làm bãi xe ở công viên Lê Văn Tám, xây dựng cầu Thủ Thiêm 2…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết, các dự án vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước. Lãnh đạo UBND Thành phố cũng đã chủ động chỉ đạo đánh giá hiệu quả kinh tế ngay từ khi bắt đầu thẩm định dự án. Kết quả tính toán của bên tư vấn cho thấy hiệu quả về kinh tế- xã hội rất lớn khi các dự án đi vào khai thác sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, rút ngắn thời gian đi lại, bảo đảm phương án tài chính. Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, trở ngại khi triển khai các dự án như chưa xây dựng được hệ thống đấu thầu cạnh tranh tốt để kêu gọi được các nhà đầu tư tư nhân, còn nhiều bất cập trong phối hợp giải phóng mặt bằng, công tác bảo đảm giao thông khó khăn khi thực hiện dự án, chưa kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài và nguồn tín dụng nước ngoài.

Từ những khó khăn đó, UBND Thành phố kiến nghị: Tiếp tục sửa đổi các chính sách nhằm phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư, và cơ chế tài chính của dự án, có quy định cụ thể về giám sát thực hiện hợp đồng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong quá trình soạn thảo nghị định hướng dẫn Luật xây dựng 50/2014/QH13, các khái niệm cần tương thích và đồng bộ với Nghị định số 15/2015/ND-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ theo hình thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, chính quyền TP còn kiến nghị với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hướng dẫn cụ thể lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế tài chính khi đầu tư dự án giao thông BOT.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ban ngành liên quan và nhà đầu tư một số vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, thời gian thi công, chiều dài tuyến, phương thức quản lý, khai thác công trình sau khi hoàn thành, hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu. Việc thu phí các phương tiện giao thông nhưng không tính tới quãng đường thực tế gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; thời gian thu phí kéo dài, chi phí quản lý của nhà đầu tư chưa được quy định cụ thể dẫn tới sự chênh lệch lớn giữa các dự án... cũng được các đại biểu đề nghị giải trình rõ.

Phó Trưởng Đoàn Thường trực Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phối hợp với các bộ, ngành và chủ động thực hiện các dự án BOT giao thông; huy động được nguồn vốn tham gia lớn, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn nhanh, vai trò quản lý nhà nước của lãnh đạo TP khi triển khai dự án  ngày càng khẳng định rõ. Thành phố đã nỗ lực hỗ trợ vốn từ nhiều nguồn lực để thu hút nhà đầu tư. Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cũng ghi nhận đóng góp của các nhà đầu tư để triển khai các dự án giao thông BOT tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn để có những dự án chất lượng tốt, mức phí phù hợp được người dân đồng tình, ủng hộ. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu các kiến nghị của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Các kiến nghị này sẽ đóng góp chung trong việc hoàn thiện và có những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế tại dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT.

Tin và ảnh: Hoàng Anh

(Báo ĐBND)

Các bài viết khác